Tử vong do bệnh dại ở Gia Lai cao nhất nước, cần nâng cao ý thức người dân

Tử vong do bệnh dại ở Gia Lai cao nhất nước, cần nâng cao ý thức người dân

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, Gia Lai ghi nhận 8 ca tử vong do bệnh dại và là địa phương có số ca tử vong cao nhất trong cả nước. Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số ca tử vong do bệnh dại sẽ còn gia tăng nếu người dân vẫn chủ quan trong công tác phòng ngừa.

TIN LIÊN QUAN Gia tăng số ca tử vong
Theo ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Qua xác minh các trường hợp tử vong do bệnh dại cho thấy, gần 100% số ca không tiêm vắc xin, số ít tiêm không đủ liều sau khi bị chó cắn. Số ca tử vong do bệnh dại là người dân tộc thiểu số chiếm 80%, tập trung chủ yếu khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, huyện Đức Cơ ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Ca tử vong mới nhất xảy ra vào cuối tháng 6-2023. Nạn nhân là cháu K.S. (SN 2016, trú tại làng Lung Prông, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ).
Theo lời kể của người thân, ngày 8-4-2023, cháu S. bị chó nuôi trong nhà cắn. Người nhà đưa cháu ra phòng khám tư nhân xử trí, rửa và khâu vết thương nhưng không tiêm vắc xin phòng dại. Đến ngày 21-6, cháu S. có biểu hiện sốt, mệt mỏi, chán ăn, sợ nước, sợ gió, co giật nhẹ. Sau đó, cháu S. được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi tỉnh điều trị. Sau khi nghe các bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, gia đình quyết định đưa cháu về nhà. Đến ngày 23-6, cháu bé tử vong tại nhà riêng. 

Cán bộ y tế xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) hướng dẫn người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dại
khi bị chó, mèo cắn. Ảnh: N.N 
Ông Rơ Mah Thương-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ-cho biết: Ngoài cháu bé tử vong do bệnh dại, 6 người trong nhà (gồm bố, mẹ, anh, em của cháu bé) cũng bị phơi nhiễm. Trung tâm Y tế huyện đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con về việc tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó nghi dại cắn hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người nuôi chó cần xích, đeo rọ mõm khi thả chó ra ngoài, tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi; đồng thời, thống kê các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh và động viên, nhắc nhở đi tiêm phòng vắc xin dại.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, căn cứ tình hình thực tiễn, diễn biến thất thường của thời tiết và đặc điểm dịch tễ cho thấy, bệnh dại tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ thêm trường hợp tử vong là rất lớn nếu không có giải pháp quyết liệt, kịp thời.
Nâng cao ý thức người dân
Bệnh dại hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, khi vi rút dại tấn công lên thần kinh trung ương thì nguy cơ tử vong tới 100%. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là tiêm phòng dại cho vật nuôi và tiêm vắc xin ngừa dại ở người khi bị chó, mèo nghi dại cắn; hiệu quả nhất là tiêm trước 24 giờ sau khi bị cắn.
Toàn tỉnh có khoảng 210.000 con chó nhưng tỷ lệ tiêm phòng dại hàng năm đạt dưới 10%. Bên cạnh đó, nhiều người không chủ động tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo; thói quen nuôi chó thả rông, không rọ mõm; còn chủ quan, khi bị chó, mèo cắn không đi tiêm phòng… Đây là những nguyên nhân dẫn đến số ca tử vong gia tăng trong thời gian qua.

Người dân khi bị chó, mèo nghi dại cắn cần nhanh chóng tiêm vắc xin để phòng bệnh dại. 
Ảnh: Như Nguyện 
Nâng cao ý thức người dân trong phòng-chống bệnh dại là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần giảm tử vong do bệnh dại. Ông Trần Chính Dũng-Tổ trưởng tổ dân phố 7 (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho hay: Phường vừa triển khai tiêm vắc xin dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn.
“Chúng tôi tập trung tuyên truyền và hầu hết các hộ dân đều hưởng ứng. Những hộ nuôi chó, mèo không tiêm đợt này thì đưa đi tiêm vắc xin dịch vụ bên ngoài. Mọi người cùng cộng đồng trách nhiệm trong công tác phòng-chống bệnh dại”-ông Dũng nói.
Ngoài tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi, người khi bị chó, mèo cắn cần tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Thực tế, nhiều người một phần do chủ quan, một phần do khó khăn nhất thời nên không tiêm vắc xin ngừa dại. Theo ông Nguyễn Văn Chính-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa: Chi phí cho việc tiêm phòng vắc xin, huyết thanh kháng dại khi bị chó dại cắn còn khá cao khiến cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn hạn chế tiếp cận dịch vụ tiêm phòng vắc xin.
“Tôi mong muốn tỉnh hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, bố trí thêm các điểm tiêm phòng vắc xin, huyết thanh kháng dại trên địa bàn tạo thuận lợi thêm cho người dân”-ông Chính nói.
NHƯ NGUYỆN
https://baogialai.com.vn/tu-vong-do-benh-dai-o-gia-lai-cao-nhat-nuoc-can-nang-cao-y-thuc-nguoi-dan-post244640.html

 

Quay lại