CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 1 THÁNG 4/2020

01/04/2020
Tìm hiểu một số quy định của liên quan đến phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người
  Câu 1: Người bắt, giữ, giam người khác trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật sẽ bị xử lý như sau:
- Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người đang thi hành công vụ;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
+ Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
-  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
+ Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
+ Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Câu 2: Hành vi dùng nhục hình gây tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án và những người tham gia tố tụng khác sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Điều 373 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:
- Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
+ Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
+ Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Làm người bị nhục hình tự sát.
- Phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Câu 3: Ông C đe dọa dùng vũ lực để cản trở chị D khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của ông. Hành vi của ông C có thể bị xử lý hình sự về tội danh nào? Mức xử lý hình sự đối với tội danh này được quy định như thế nào?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 166, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
Như vậy, hành vi đe dọa dùng vũ lực của ông C nhằm cản trở chị D thực hiện việc khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của ông C đã phạm tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo và bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; trả thù người khiếu nại, tố cáo; lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi; dẫn đến biểu tình; làm người khiếu nại, tố cáo tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Câu 4: Nhằm mục đích nhanh chóng kết thúc điều tra vụ án để lập thành tích cá nhân, điều tra viên A đã ép buộc bị can phải nhận tội và đồng ý với những gợi ý về thực hiện hành vi phạm tội . Xin hỏi A sẽ bị xử lý hình sự như thế nào?
Trả lời:
A sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 374 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều khoản này quy định như sau: Người phạm tội bức cung bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên;
- Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
- Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
- Làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
- Ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật./.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017