CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 1 THÁNG 7/2020

03/07/2020
Tìm hiểu một số quy định pháp luật về phòng, chống ma túy
Câu 1: Ma túy là gì? Hiểm họa của ma túy đối với mỗi gia đình, xã hội thể hiện như thế nào?
Trả lời:
Theo từ điển tiếng Việt thì Ma tuý là tên gọi chung các chất có tác dụng gây trạng thái ngây ngất, đờ đẫn, dùng quen thành nghiện.
Những chất gây nghiện có thể được chiết xuất từ cây thực vật như cây Anh Túc (cây thuốc phiện), cây Côca, cây cần sa, cây khác… và những chất gây nghiện kích thích thần kinh khác như Amphetamine, LSD được sản xuất từ các tiền chất, hoá chất. Những chất kích thích thần kinh đó, trong thuật ngữ tiếng Việt ta có thể gọi là chất ma tuý hướng thần.
Theo Liên Hợp quốc thì “ma tuý là chất hoá học có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo, khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức trí tuệ của con người, làm cho người bị lệ thuộc vào các chất đó, gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng. Do vậy, việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các chất đó phải được quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật và chịu sự kiểm soát của cơ quan bảo vệ pháp luật”.
Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định: Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.
Như vậy, chất ma tuý được xác định và có tên gọi riêng trong khoa học.       Theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định hiện có 515 loại ma tuý và 44 tiền chất dùng để sản xuất ma tuý, chia làm 4 nhóm sau:
- Nhóm các chất ma tuý an thần: Thuốc phiện, Morphine, Heroine, Các chất ma tuý tổng hợp toàn phần trong nhóm có thể thay thế Morphine, Heroine và các opiat khác (methadon, pethidine, phenazocine, diazepam, dolagan...)
- Nhóm các chất ma tuý gây kích thích: Methamphetamin, ecstacy, amphetamin.
- Nhóm các chất ma tuý gây ảo giác: Cần sa và các sản phẩm của nó: thảo mộc cần sa, nhựa cần tinh dầu cần sa lysergide (LSD)
- Các chất ma tuý có thuộc tính gây nghiện: Các loại thuốc tân dược có thành phần là chất gây nghiện: thuốc giảm đau, thuốc an thần, một số loại thuốc ho, thuốc cảm cúm,…
Ma tuý là các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành; khi được đưa vào cơ thể, sẽ có tác dụng làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của con người. Nếu lạm dụng, sẽ bị lệ thuộc, gây tổn thương và nguy hại cho người sử dụng và cộng đồng.
Hiểm họa của ma túy đối với gia đình và xã hội cụ thể như sau:
Tệ nạn ma tuý đang là mối hiểm hoạ của các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, các tệ nạn xã hội và làm lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng, trật tự của đất nước. Phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh và đẩy lùi tệ nạn ma tuý là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.
         Ma túy có rất nhiều loại như: Heroin, cần sa, ma tuý đá, thuốc lắc, viên ma túy tổng hợp ... và được đối tượng buôn bán ngụy trang một cách tinh vi; lôi kéo người sử dụng dẫn đến nghiện ngập. Đáng báo động, đối tượng sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi thanh niên, thậm chí đã bắt đầu trẻ hóa đến tuổi vị thành niên và học sinh. Những kẻ buôn bán ma túy thường dụ dỗ các đối tượng học sinh, sinh viên bằng cách cho hút không mất tiền, khi đã nghiện thì bản thân sẽ trở thành công cụ để chúng kiếm tiền, đưa vào con đường: trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy...
         Hơn thế, có một số quan niệm cho rằng việc sử dụng thuốc lắc hay ma túy đá, ma tuý cỏ chỉ gây hưng phấn tức thời nhằm giải trí cho vui, thỏa mãn nhu cầu cá nhân chứ hoàn toàn không gây nghiện, đó là những quan niệm sai lầm. Khi đã sử dụng ma túy đá, ma tuý cỏ mà không biết rằng nó có khả năng tàn phá ghê gớm đến tinh thần, sức khỏe, gây ảo giác và làm ảnh hưởng xấu đến gia đình, xã hội.
         Nghiện ma túy là nguyên nhân làm gia tăng những tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, người nghiện không từ một hành vi nào để kiếm tiền; Nghiện ma túy làm lây lan đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng qua hành vi tiêm chích ma túy chung bơm kim tiêm và quan hệ tình dục không an toàn do say thuốc lắc và là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tệ nạn mại dâm.
Nguyên nhân nghiện ma túy gồm một số lý do chủ yếu sau:
- Hiếu kỳ, ảo tưởng chơi ma túy là sành điệu, lên mây, con người thông minh, khỏe mạnh.
- Lười lao động, thích ăn chơi, đua đòi, dễ bị đối tượng xấu mua chuộc, lôi kéo vào con đường nghiện ma túy.
- Hoàn cảnh gia đình: bố, mẹ ly dị; lo làm ăn không quan tâm tới con; nhà nghèo; lang thang theo bạn xấu,…
- Quản lý của nhà trường, xã hội, chính quyền đoàn thể yếu kém, chưa quan tâm, công tác tuyên truyền yếu.
- Những người có hoàn cảnh cá nhân: chữa bệnh, gái mại dâm, trẻ lang thang cơ nhỡ,…
- Phong tục tập quán của một số dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
Người nghiện ma túy thường có các biểu hiện: Cảm giác thèm chất ma túy; Ngạt mũi hoặc hắt hơi; Chảy nước mắt; Đau cơ hoặc chuột rút; Co cứng bụng; Buồn nôn hoặc nôn; ỉa chảy; Giãn đồng tử; Nổi da gà hoặc ớn lạnh; Nhịp tim nhanh hoặc tăng huyết áp; Ngáp; Ngủ không yên;
Ngoài ra, người nghiện thường có biểu hiện bất minh về thời gian, tiền bạc, lén lút, có tính gian dối, sau đó đến trộm cắp và các hành vi vi phạm khác.
          Câu 2: Để đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn ma tuý, Luật Phòng, chống ma tuý nghiêm cấm các hành vi nào?
Trả lời:
Theo quy định tại điều 3, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) thì để đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn ma tuý, Luật Phòng, chống ma tuý nghiêm cấm các hành vi sau đây:
- Trồng cây có chứa chất ma túy;
- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;
- Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy;
- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy;
- Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội về ma túy mà có;
- Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma túy;
- Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma túy;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy;
- Các hành vi trái phép khác về ma túy.
          Câu 3: Hãy cho biết cá nhân và gia đình có trách nhiệm gì trong đấu tranh phòng, chống ma tuý?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 6, Điều 7, khoản 1 Điều 8 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) thì trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong đấu tranh phòng, chống ma tuý được quy định như sau:
- Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý;
- Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh;
- Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma tuý của thân nhân và của người khác;
- Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện;
- Phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma tuý cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết kịp thời những thông tin, tố giác về tệ nạn ma tuý;
- Phát hiện, báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma tuý; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma tuý do chính quyền địa phương tổ chức.
Câu 4: Theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy gồm những hành vi cụ thể nào và bị áp dụng hình thức xử phạt ra sao?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 21, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi là Nghị định số 167/2013/NĐ-CP), việc xử phạt các hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy bao gồm:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép;
b) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;
c) Sản xuất, mua, bán những dụng cụ sử dụng chất ma túy trái quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, các phương tiện giao thông và các nơi khác để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực, phương tiện mình quản lý;
b) Môi giới, giúp đỡ, tạo điều kiện hoặc bằng các hình thức khác giúp cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy;
c) Chuyển chất ma túy, chất hướng thần hoặc các chất ma túy khác cho người không được phép cất giữ, sử dụng.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cung cấp trái pháp luật địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy;
b) Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh các chất có chứa chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất ma túy;
c) Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất ma túy;
d) Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, tiền chất ma túy;
đ) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, tiền chất ma túy;
e) Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này.
7. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017