CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 2 THÁNG 01/2020

10/01/2020
  Tìm hiểu một số quy định pháp luật liên quan đến trẻ em
Câu 1: Theo quy định pháp luật thì trẻ em có những quyền gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Mục 1, Chương II Luật Trẻ em năm 2016 thì trẻ em có những quyền sau:
- Quyền sống
- Quyền được khai sinh và có quốc tịch.
- Quyền được chăm sóc sức khỏe.
- Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng.
- Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu.
- Quyền vui chơi, giải trí.
- Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc.
- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Quyền về tài sản.
- Quyền bí mật đời sống riêng tư.
- Quyền được sống chung với cha, mẹ.
- Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ.
- Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi.
- Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục.
- Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động.
- Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc.
- Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.
- Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy.
          - Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính.
- Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.
          - Quyền được bảo đảm an sinh xã hội.
          - Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội.
          - Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp.
- Quyền của trẻ em khuyết tật.
- Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.
Câu 2: Việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp được quy định như thế nào?
          Trả lời:
          Điều 31 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp như sau:
- Trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp là trẻ em đang bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em chính là người gây tổn hại cho trẻ em.
- Việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ từ khi nhận được thông tin.
- Trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã:
+ Tiếp nhận thông tin, kết nối với cơ quan công an để ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em xảy ra trên địa bàn xã; phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp và lưu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến tổn hại của trẻ em do bị xâm hại để hỗ trợ việc điều tra, xử lý, bảo vệ trẻ em;
+ Tiếp tục đánh giá mức độ tổn hại và mức độ an toàn môi trường sống của trẻ em, xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt và triển khai thực hiện;
+ Trong trường hợp cần thiết phối hợp với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để được hướng dẫn, hỗ trợ việc can thiệp khẩn cấp và xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.
- Trách nhiệm của cơ quan công an
+ Tiếp nhận thông tin, triển khai việc ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em;
+ Phối hợp với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi xảy ra vụ việc để thực hiện việc bảo vệ trẻ em khẩn cấp, bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;
+ Trong trường hợp cần thiết, phối hợp với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để hỗ trợ việc can thiệp khẩn cấp.
- Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
+ Khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em bị xâm hại và trẻ em được áp dụng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật trẻ em;
+ Hướng dẫn việc thu thập bằng chứng, lưu giữ chứng cứ tổn hại của trẻ em do bị xâm hại phục vụ việc giám định theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
+ Lưu trữ hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Câu 3: Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng các biện pháp chăm sóc thay thế được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 32 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định:
- Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế được thực hiện đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.
-  Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra trường hợp nêu trên có thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, bố trí nơi tạm trú an toàn và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế trong vòng 12 giờ tính từ thời điểm tiếp nhận thông tin.
- Thời hạn tạm thời cách ly được quyết định căn cứ vào đánh giá nhu cầu và môi trường an toàn của trẻ em, được gia hạn, nhưng thời hạn cách ly tối đa không quá 15 ngày trừ trường hợp phải tiếp tục cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn cho trẻ em thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hủy bỏ quyết định tạm thời cách ly.
- Trẻ em được tạm thời cách ly khẩn cấp khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần được thực hiện ngay việc giao chăm sóc thay thế trước khi thực hiện các thủ tục nhận chăm sóc thay thế./.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017