CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 2 THÁNG 3/2020

09/03/2020
Tìm hiểu một số quy định pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự liên quan đến thanh, thiếu niên
Câu 1: Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải thực hiện những nghĩa vụ gì? Cần có những điều kiện nào để có thể xem xét chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn? Pháp luật quy định như thế nào về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn?
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 95 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì  người được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
- Thứ nhất, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động;
- Thứ hai, chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn;
- Thứ ba, không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép;
- Thứ tư, các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đó là: Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu và tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
Theo Khoản 3 Điều 95 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), có thể được xem xét chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu đảm bảo các điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ;
- Thứ hai, có đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục.
Điều 429 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn như sau: ̣
- Thứ nhất, khi miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật Hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do cơ quan mình thụ lý, giải quyết.
- Thứ hai, Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có các nội dung chính:
+ Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;
+ Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;
+ Lý do, căn cứ ra quyết định;
+ Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
+ Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự đã áp dụng;
+ Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
+ Trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bi ̣áp dung biện pháp này cư trú.
- Thứ ba, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải giao quyết định cho người bi ̣áp dụng biện pháp này, cha mẹ hoăc người đại diện của họ và chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú.
Câu 2:Người phạm tội được hưởng án treo phải đáp ứng những điều kiện nào theo quy định của pháp luật?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định cụ thể về điều kiện để một người được Tòa án cho hưởng án treo như sau: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự”. Như vậy, để được hưởng án treo, người phạm tội phải có những điều kiện sau:
- Thứ nhất, mức phạt tù không quá 03 năm. Điều này có nghĩa là mức phạt tù mà Tòa án áp dụng cho người phạm tội nằm trong giới hạn không quá 03 năm. Đây là điều kiện có tính tiên quyết làm cơ sở để xem xét tới những điều kiện khác. Nếu người phạm tội không thỏa mãn điều kiện này thì Tòa án không cần xem xét đến các điều kiện khác để quyết định việc có hay không cho hưởng án treo.
- Thứ hai, người phạm tội có nhân thân tốt. Đánh giá về nhân thân của người phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cho hưởng án treo bởi điều này ảnh hưởng đến khả năng tự cải tạo, giáo dục của người phạm tội.
Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về án treo (Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP) quy định: Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc. Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.
- Thứ ba, người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn nội dung này như sau: Người phạm tội được cọi là có nhiều tình tiết giảm nếu có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của BLHS. Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS.
- Thứ tư, xét thấy không cần thiết phải bắt chấp hành hình phạt tù.
Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Thứ năm, khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định một trong những điều kiện mà người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có nơi cư trú rõ ràng, nơi làm việc ổn định.
Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo. Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Như vậy, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ 05 điều kiện nêu trên.
Tình huống: N (17 tuổi) phạm tội cướp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017). Trong trường hợp N phạm tội cướp tài sản chưa đạt thì khi xét xử, mức hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể áp dụng đối với N là bao nhiêu?
Trả lời:
Khoản 3 Điều 102 Bộ luật Hình sự năm 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:
“Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần ba mức hình phạt quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Bộ luật này.
Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần hai mức hình phạt quy định tại các Điều 99, 100 và 101 của Bộ luật này”.
Khoản 1 Điều 101 BLHS năm 2015 quy định: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.
N phạm tội cướp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015 có khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Như vậy, mức hình phạt cao nhất của khung này là 20 năm tù nên theo khoản 1 Điều 101 17 BLHS năm 2015 về tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất trong trường hợp phạm tội hoàn thành đối với N. (17 tuổi) là 15 năm tù (tức không quá ¾ mức phạt tù mà điều luật quy định. Do đó, trong trường hợp N. phạm tội chưa đạt thì mức hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể áp dụng đối với N. là không quá 7 năm 6 tháng tù (tức không quá ½ mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 101 BLHS năm 2015).
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017