CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 3 THÁNG 6/2020

15/06/2020
Tìm hiểu một số quy định pháp luật liên quan đến tố cáo
Câu 1: Theo quy định của pháp luật, tố cáo nặc danh, mạo danh có được tiếp nhận để thanh tra, kiểm tra hay không? Việc tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền chuyển đến được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 25 Luật Tố cáo năm 2018, thì việc tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra đối với thông tin có nội dung tố cáo được quy định cụ thể như sau:
- Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo (tố cáo nặc danh) hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo (tố cáo mạo danh) hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 (của Luật Tố cáo năm 2018) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.
- Trong trường hợp, thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
Theo Điều 26 Luật Tố cáo năm 2018 quy định việc tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền chuyển đến:
- Khi nhận được tố cáo của cá nhân do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận có trách nhiệm tiến hành phân loại và xử lý như sau:
+ Trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý thì thụ lý tố cáo; trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết;
+ Trường hợp tố cáo không đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại Điều 29 của Luật này thì không thụ lý; trường hợp tố cáo không đủ điều kiện thụ lý nhưng có nội dung, thông tin rõ ràng về người có hành vi vi phạm, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền phục vụ cho công tác quản lý.
-  Kết quả xử lý tố cáo theo quy định tại khoản 1 Điều này được thông báo bằng văn bản cho cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển tố cáo trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo.
 Điều 20, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 hướng dẫn việc thực hiện quy định tại Điều 26, Luật Tố cáo năm 2018 như sau:
-  Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo hoặc tố cáo không đủ điều kiện thụ lý do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 Luật Tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận phải tiến hành phân loại, đánh giá tính chất, mức độ vụ việc, nếu thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì quyết định việc thanh tra, kiểm tra; nếu không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì phải chuyển thông tin đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh tra, kiểm tra.
- Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm tra và việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và pháp luật khác có liên quan.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhận được thông tin có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý tố cáo cho cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển thông tin đến biết kết quả xử lý tố cáo.
Câu 2: Thời hạn giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018 quy định cụ thể về thời hạn giải quyết tố cáo như sau:
- Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
- Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
- Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
- Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
 Điều 3 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 hướng dẫn việc thực hiện quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018 như sau:
- Thời hạn giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Tố cáo. Việc gia hạn giải quyết tố cáo được áp dụng đối với vụ việc phức tạp và đặc biệt phức tạp theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 30 Luật Tố cáo.
- Vụ việc phức tạp là vụ việc có một trong các tiêu chí sau đây:
+ Tố cáo về một nội dung nhưng phải xác minh từ 02 địa điểm trở lên;
+ Tố cáo có từ 02 nội dung phải xác minh trở lên;
+ Nhiều người tố cáo về cùng một nội dung hoặc nội dung tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người;
+ Tố cáo có yếu tố nước ngoài: người tố cáo ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài;
+ Nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức;
+ Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết tố cáo còn ý kiến khác nhau;
+ Có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn.
- Vụ việc đặc biệt phức tạp là vụ việc có từ 02 tiêu chí trở lên được quy định tại khoản 2 Điều này.
- Việc gia hạn giải quyết tố cáo phải được thực hiện bằng quyết định của người giải quyết tố cáo, được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Luật Tố cáo.
Câu 3: Xin cho biết quy định của pháp luật về việc giải quyết tố cáo quá thời hạn quy định?
​          Trả lời:
Tại Điều 38 của Luật Tố cáo năm 2018 quy định cụ thể như sau:
- Trường hợp quá thời hạn quy định tại Điều 30 của Luật này mà tố cáo chưa được giải quyết, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có văn bản yêu cầu người giải quyết tố cáo báo cáo về quá trình giải quyết tố cáo, lý do về việc chậm giải quyết tố cáo và xác định trách nhiệm giải quyết tố cáo.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp, người giải quyết tố cáo phải gửi báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều này; tiếp tục giải quyết tố cáo theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp và báo cáo kết quả giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc giải quyết tố cáo; thông báo cho người tố cáo biết về việc xem xét, giải quyết tố cáo; áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với người có thẩm quyền mà không giải quyết tố cáo theo đúng thời gian quy định.
- Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo.
Câu 4: Ông M là công chức thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện X. Trong quá trình công tác, ông M đã có hành vi vi phạm pháp luật bị chị A phát hiện và đã gửi đơn tố cáo ông M tới Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện X (chị A có đầy đủ năng lực hành vi dân sự). Cho hỏi chị A có được tố cáo ông M tới Ủy ban nhân dân huyện không? Việc tố cáo được giải quyết theo thủ tục nào? Và trong trường hợp chị A bị đe dọa vì việc tố cáo thì có được pháp luật bảo vệ không?
Trả lời:
Thứ nhất, chị A được tố cáo ông M tới chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện X.
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 thì “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.
Theo đó, chị A là một công dân biết được rằng ông M là công chức của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện X có hành vi vi phạm pháp luật và đã tố cáo hành vi vi phạm đó. Đơn tố cáo của chị trong trường hợp này được chấp nhận và được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, và người có thẩm quyền ở đây là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện X.
Thứ hai, trình tự giải quyết việc tố cáo của chị A
- Bước 1: Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo. Khi nhận được tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm phân loại và xử lý. Chị A đã gửi đơn tố cáo ông M tới Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện X và như đã phân tích ở trên thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện X là người có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo của chị A. Do đó, trong thời hạn 7 ngày, chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện X phải thụ lý giải quyết.
- Bước 2: Thụ lý, xác minh nội dung báo cáo. Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo (Khoản 1 Điều 30 Luật Tố cáo 2018).
- Bước ba: Kết luận nội dung tố cáo.
Căn cứ báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật. Thanh tra huyện X ban hành kết luận nội dung tố cáo của chị A về hành vi vi phạm pháp luật của ông M bao gồm kết quả xác minh nội dung tố cáo là đúng hay sai (một phần hay toàn bộ); nội dung giải trình của hai bên là chị A và ông M và những người có liên quan; kết luận về thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, đối tượng bị thiệt hại; xử lý về kinh tế, hành chính và một số kiến nghị…
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 Luật Tố cáo 2018 thì “Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo“.
- Bước 4: Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo. Ngay sau khi có kết luận về nội dung tố cáo, chậm nhất 07 ngày kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện X phải căn cứ kết quả xác minh, kết luận nội dung tố cáo để xử lý theo quy định tại Điều 36 Luật Tố cáo 2018.
- Bước 5: Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo theo quy định tại Điều 40 luật Tố cáo 2018.
Thứ ba, trường hợp chị A bị đe dọa về việc tố cáo, thì việc bảo vệ được thực hiện theo quy định của pháp luật
Trong trường hợp chị A bị đe dọa, trù dập vì việc tố cáo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện X cần phải xác định thông tin về chị A và những mối nguy hiểm mà chị có thể gặp phải. Hiện nay, theo quy định tại Hiến pháp 2013, Luật Tố cáo 2018 và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì đều có những quy định về bảo vệ người tố cáo. Cụ thể như sau:
Khoản 3 Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.
Luật Tố cáo 2018 tại các điều 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55 ,56, 57 và 58 quy định về các hành vi nghiêm cấm xâm phạm đến quyền của người tố cáo và bảo vệ người tố cáo như là bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo; bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác làm việc của họ; bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo; bảo vệ người thân của người tố cáo (nếu nghiêm trọng)… Tuy nhiên, pháp luật tố cáo chỉ đưa ra những quy định chung nhất về người tố cáo, người bị tố cáo, thẩm quyền giải quyết tố cáo, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo… Còn các vấn đề tố cáo cụ thể về những hành vi vi phạm pháp luật như tham nhũng, vụ lợi… thì ta cần căn cứ vào các quy định tại các điều luật cụ thể ứng với hành vi đó.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã dành riêng một chương XXXIV về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm áp dụng biện pháp bảo vệ trong trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định được tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm./.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017