CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 3 THÁNG 01/2020

17/01/2020
Tìm hiểu một số quy định pháp luật liên quan đến trợ giúp pháp lý
Câu 1: Trợ giúp pháp lý là gì? Hoạt động trợ giúp pháp lý phải tuân thủ những nguyên tắc nào?
Trả lời:
Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đưa ra khái niệm trợ giúp pháp lý như sau:Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật”.
Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định trong hoạt động trợ giúp pháp lý phải tuân thủ những nguyên tắc:
- Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.
- Kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
- Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
- Không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.
Câu 2: Những người nào thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý?
Trả lời:
Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định những đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm:
- Người có công với cách mạng.
- Người thuộc hộ nghèo.
- Trẻ em.
- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
+ Người nhiễm chất độc da cam;
+ Người cao tuổi;
+ Người khuyết tật;
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
+ Người nhiễm HIV.
Câu 3: Những tổ chức nào thực hiện trợ giúp pháp lý? Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ gì?
Trả lời:
          Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định những tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
          Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:
- Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý;
+ Bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuộc tổ chức mình gây ra trong khi thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, truyền thông về trợ giúp pháp lý;
+ Giải quyết khiếu nại;
+ Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có quyền và nghĩa vụ sau đây:
+ Quyền và nghĩa vụ như tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ủy quyền hoặc yêu cầu.
- Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:
+ Quyền và nghĩa vụ như tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Được nhận thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Chính phủ;
+ Quyền và nghĩa vụ khác theo hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:
+ Quyền và nghĩa vụ như tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Thực hiện trợ giúp pháp lý theo nội dung đăng ký.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017