CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 4 THÁNG 10/2019

05/11/2019
Tìm hiểu một số quy định pháp luật liên quan đến quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân(Tiếp theo kỳ 3 tháng 10/2019).
 Câu 1: Người phạm tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác bị xử phạt như thế nào?
           Trả lời:
          Điều 164 Bộ luật hình sự năm 2015 ( Sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác như sau:
          - Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
          - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
          + Có tổ chức;
          + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
          + Phạm tội 02 lần trở lên;
          + Dẫn đến biểu tình;
          + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
          - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
          Câu 2: Pháp luật hình sự quy định như thế nào về tội xâm phạm quyền bình đẳng giới?
          Trả lời:
          Điều 165 Bộ luật hình sự năm 2015 ( Sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội xâm phạm quyền bình đẳng giới như sau:
          - Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
          - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
          + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
          + Phạm tội 02 lần trở lên;
          + Đối với 02 người trở lên.
          - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
          Câu  3: Người phạm tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân bị xử phạt như thế nào?
          Trả lời:
Điều 167 Bộ luật hình sự năm 2015 ( Sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân như sau:
          - Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017