CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 4 THÁNG 4/2020

21/04/2020
Tìm hiểu một số quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
Câu 1: Việc phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình được thực hiện như thế nào? Người có hành vi bạo lực đối với người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Điều 18 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định việc phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình như sau:
- Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm thì nhân viên y tế, nhân viên tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình khi thực hiện nhiệm vụ của mình phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở tư vấn để báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
- Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.
Điều 58 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định hành vi bạo lực đối với người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình bị xử lý như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Đe dọa người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;
+ Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Hành hung người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;
+ Đập phá, hủy hoại tài sản của người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi đập phá, hủy hoại tài sản của người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;
+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi: đe dọa người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình; hành hung người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình; đập phá, hủy hoại tài sản của người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.
Câu 2: Pháp luật quy định như thế nào về biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình?
Trả lời:
Điều 19 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định: Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra, bao gồm:
- Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình;
- Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình;
- Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình;
- Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân (sau đây gọi là biện pháp cấm tiếp xúc).
Câu 3: Mỗi khi uống rượu say vào là anh B chửi, hành hung vợ. Anh chửi mà vợ im lặng thì anh nghĩ rằng vợ xem thường mình nên lao vào đánh vợ một cách dã man, còn vợ mà lên tiếng thì anh cho là hỗn láo nên cần phải dạy dỗ lại. Nhiều khi không chịu nổi những đòn, roi của chồng, chị C vợ anh B chạy trốn về nhà bố, mẹ đẻ nhưng vẫn bị chồng hành hung. Mỗi lần như thế, anh B lại chửi cả bố, mẹ vợ. Mọi người rất thông cảm nhưng không biết làm thế nào để bảo vệ chị C, một phần cũng sợ anh B nên không giám can thiệp. Trong trường hợp này, để bảo vệ mình, chị C có quyền yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc không ? Giải thích ?
Trả lời:
Điều 20 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định việc cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
          + Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
+ Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.
- Chậm nhất 12 giờ, kể từ khi nhận được đơn yêu cầu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.
Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định cấm tiếp xúc huỷ bỏ quyết định đó khi có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình hoặc khi nhận thấy biện pháp này không còn cần thiết.
- Trong trường hợp gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi hoặc các trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình phải tiếp xúc với nhau thì người có hành vi bạo lực gia đình phải báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình.
- Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc có thể bị tạm giữ hành chính, xử phạt vi phạm hành chính.
- Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng, huỷ bỏ biện pháp cấm tiếp xúc và việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc quy định tại Điều này.
Như vậy, chị C có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc để bảo vệ mình theo quy định của pháp luật./.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017