CHUYÊN MỤC

TÌM HIỂU PHÁP LUẬT (THÁNG 5/2019) TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP

06/06/2019
I. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động về an toàn vệ sinh lao động (Khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015)
1. Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
2. Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
3. Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động;
4. Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;
5. Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động;
6. Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động;
7. Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
II. Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015)
1. Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.
2. Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
3. Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
4. Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động.
5. Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.
6. Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
7. Trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.
            III. Hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
          1.Về xử lý vi phạm hành chính
          Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
          * Đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động, có các hành vi sau:
          - Vi phạm quy định về dịch vụ việc làm: Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 60 triệu đồng;
          - Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 25 triệu đồng;
          - Vi phạm quy định về thử việc: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 05 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 07 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 20 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về cho thuê lại lao động:  Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 100 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 25 triệu đồng;
 - Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 05 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 15 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về tiền lương: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 75 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 50 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 15 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động: Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 10 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 150 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về lao động nữ: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 20 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về lao động chưa thành niên: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 25 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình: Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 07 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về người lao động cao tuổi: Phạt tiền từ 05 trăm nghìn đồng đến 15 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 75 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về giải quyết tranh chấp lao động: Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 05 triệu đồng;
- Vi phạm quy định về công đoàn: Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc thực hiện một số biện pháp khắc phục hậu quả.
          2.Về xử lý hình sự:
Việc vi phạm an toàn vệ sinh lao động còn có thể bị xử lý hình sự theo quy của Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:
Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người  (Điều 295), với mức phạt tù cao nhất đến 12 năm.
Vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi (Điều 296), với mức phạt tù cao nhất đến 05 năm.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017