CHUYÊN MỤC

Thị xã An Khê thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở

28/12/2016
     Trong bối cảnh đời sống hiện nay, khi những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp về quyền lợi phát sinh một cách thường xuyên hơn, nhất là ở cơ sở, thì công tác hòa giải càng đóng vai trò quan trọng, giúp hạn chế một phần tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu kiện lên các cơ quan cấp trên.

     
     
     Thị xã An Khê nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai, trên quốc lộ 19, trục giao thông nối liền duyên hải miền Trung với Tây Nguyên, được chia tách và thành lập vào cuối năm 2003. Trong thời kỳ đổi mới và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, An Khê đã từng bước khẳng định là một đô thị trung tâm phía Đông của tỉnh Gia Lai. 
 
     Trong những năm gần đây kinh tế thị xã An Khê đã có những chuyển biến đáng kể, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; văn hoá xã hội có bước chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng được xây dựng theo hướng phát triển đô thị bền vững, diện mạo của thị xã từng bước được đổi thay. Bên cạnh những đổi thay đó, chắc chắn không thể tránh khỏi việc tranh chấp như: tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn anh em và mâu thuẫn trong các vấn đề phân chia tài sản, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn hàng xóm,... nhưng tình người thị xã An Khê được xem trọng “tình làng nghĩa xóm” và đây cũng là điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải ở cơ sở, mỗi khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong cộng đồng dân cư.  
 
     Hiện nay, toàn thị xã có 90 thôn, tổ dân phố; 90 tổ hòa giải; 560 Hòa giải viên. Trong đó, 405 hòa giải viên là nam và 155 hòa giải viên là nữ; 541 hòa giải viên là dân tộc kinh và 19 hòa giải viên là đồng bào dân tộc thiểu số; số hòa giải viên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là 522 người. Về cơ cấu, mỗi tổ hoà giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, bao gồm đại diện: đại diện Chi bộ, Tổ dân phố, đại diện Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, người cao tuổi, Cựu chiến binh, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và một số người dân có uy tín tại địa phương, được nhân dân tôn trọng, tạo được niềm tin trong cộng đồng dân cư. Mô hình tổ chức của Tổ hòa giải ở cơ sở chủ yếu được thành lập theo địa bàn thôn, tổ dân phố. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Tổ hòa giải có Tổ trưởng và các thành viên do UBMTTQ xã, phường phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do UBND cùng cấp quyết định, công nhận.
 
     Trong 3 năm (2014-2016), các Tổ hòa giải đã tiếp nhận 378 vụ, trong đó: tranh chấp đất đai 143; vệ sinh môi trường 20 vụ; mâu thuẫn gia đình 42 vụ; dân sự 131 vụ; mâu thuẫn làng xóm 38 vụ; an ninh trật tự 4 vụ. Đã hòa giải thành 290 vụ, đạt tỷ lệ 77% số vụ hòa giải thành. Từ những vụ hòa giải thành công đã “hóa giải” được các mâu thuẫn, tranh chấp hay những xích mích trong các mối quan hệ cộng đồng. Với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, không để chuyện “bé xé ra to” đã góp phần làm giảm các vi phạm pháp luật phát sinh liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai,....; góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Qua đó, tạo tiền đề vững chắc trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng xã hội.
 
     Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập như: phong trào hòa giải chưa thực sự đồng đều trong phạm vi toàn thị xã; một số tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, trình độ nghiệp vụ và sự hiểu biết pháp luật của các hòa giải viên còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người làm công tác hòa giải… 
 
     Để công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả hơn nữa, đồng thời nhằm đưa Luật Hòa giải cơ sở đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và nhân dân cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc đối với công tác hòa giải ở cơ sở, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội. Xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong mỗi công dân, góp phần ổn định tình hình chính trị, giữ vững an ninh trật tự, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
  Lại Thị Mỹ Dung (0972.11.00.47)
Phòng Tư Pháp thị xã An Khê, Gia Lai
 
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017