CHUYÊN MỤC

Nạn nhân chất độc da cam- cần lắm sự quan tâm

22/01/2019
Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng hậu quả tàn khốc của nó vẫn hiện hữu trong cuộc sống của biết bao nhiêu nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đi ô xin. Họ đang từng ngày, từng giờ vật lộn giành sự sống với đau đớn, bệnh tật và khó khăn trong cuộc sống. Bởi vậy hơn ai hết họ rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của mọi người trong gia đình và toàn xã hội.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Mai Thanh Thuyết, nạn nhân chất độc da cam tại tổ dân phố 7- phường Tây Sơn- thị xã An Khê. Trong ngôi nhà khá tươm tất được Nhà nước hỗ trợ xây dựng năm 2016, ông bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe về số phận của mình. Vốn là quân nhân trong Quân đoàn 3, tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận và bị nhiễm chất độc da cam nhưng không biết. Sau ngày giải phóng, ông lập gia đình với người vợ đầu tiên, thế nhưng hạnh phúc sớm đổ vỡ khi đứa con trai kháu khỉnh ra đời chưa bao lâu đã chết vì bệnh não úng thủy, người vợ cũng qua đời. Sau đó, ông lấy người vợ thứ hai, có được 2 mụn con thì đều mắc các chứng bệnh do di chứng da cam. Đứa con trai mắc chứng teo cơ nửa người, mắt mờ và thần kinh dạng nhẹ. Tội nghiệp hơn là đứa con gái út bị tàn tật, câm điếc bẩm sinh, không có khả năng tự phục vụ, bố mẹ phải ngày ngày chăm sóc, vệ sinh cho. Thấy các con như vậy, ông bà đã chạy chữa khắp nơi. Mọi tài sản trong nhà đều lần lượt đội nón ra đi nhưng bệnh của con chỉ đỡ được phần nào. Không chịu nổi khó khăn, vợ ông bỏ đi, để lại trên vai ông gánh nặng nợ nần chồng chất. Ông bán đất, thế nhà trả nợ và vay thêm tiền ngân hàng để mở văn phòng chi nhánh cho 1 hãng Taxi, cần mẫn lái Taxi để mưu sinh qua ngày. Bây giờ có tuổi ông Thuyết chỉ còn làm Chi Hội trưởng Cựu chiến binh tổ dân phố và vẫn một mình chăm sóc đứa con gái tật nguyền đã 30 tuổi mà vẫn ngây ngô. Chứng kiến cảnh đó chúng tôi mới thấu hiểu nỗi đau của những gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam /đi ô xin. Ông Thuyết chia sẻ: “Trong quá trình công tác, chiến đấu, hồi xưa vô đây là lý tưởng giải phóng miền Nam cho nên cũng không nghĩ gì mình bị chất độc da cam hoặc là hi sinh, thương binh gì hết, chỉ nghĩ bản thân mình làm sao hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Bản thân cũng vươn lên tự lực cánh sinh là chính. Được cái vừa qua được xã hội, chế độ Nhà nước mình đây ủng hộ, giúp đỡ. Mong rằng Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa đối với những người đang khó khăn như mình, cũng mong rằng hiện nay có những người có khó khăn hiện nay chưa làm được chế độ thì những người đó Nhà nước nên cố gắng quan tâm để cho họ được hưởng một chút gì đó động viên trong cuối đời của họ”. 
 Rời gia đình ông Thuyết chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà ông Huỳnh Đình Chức- tổ dân phố 3- phường An Bình- thị xã An Khê.  Một thời tham gia chiến đấu oanh liệt trên nhiều chiến trường, ông Chức nhiễm chất độc da cam dẫn đến căn bệnh đau đầu kinh niên và suy nhược thần kinh. Để duy trì sự sống ông phải liên tục uống thuốc, cả thuốc Tây y kết hợp với thuốc Nam. Rót ly nước cho khách, đôi tay gầy guộc day nhẹ lên đôi mắt, ông bảo mới đi phẫu thuật mắt vì đục thủy tinh thể. Vợ chồng ông Chức sinh được 3 người con, do di truyền chất độc da cam từ bố mà 1 đứa con gái của ông bị chứng hẹp sọ chèn ép làm thoái hóa não. Ở cái tuổi 70, quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nỗi lo lắng lớn nhất của đôi vợ chồng già là cuộc sống, sinh hoạt của con gái. Trao đổi với chúng tôi ông Chức nói: “Nạn nhân chất độc da cam chúng tôi phải nói là rất thiệt thòi và rất đau. Nhất là chiến tranh đã kết thúc bốn mươi mấy năm nhưng vấn đề cứ đau về thể chất, hiện nay con cái, nhìn con mình với con nẫu (người ta) thì thấy rất khổ. Vì đáng lẽ nó học đại học ra trưởng thành, có ngành, có nghề nhưng hàng ngày cứ nhìn con mình thấy rất khổ tâm”.
Gia đình ông Thuyết, ông Chức chỉ là hai trong số các gia đình khác trên địa bàn thị xã An Khê đang cùng có chung một số phận, một nỗi đau da cam.
Thị xã An Khê hiện có 57 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được hưởng chế độ chính sách Nhà nước và 494 người phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó, có những người bị nhiễm trực tiếp và thế hệ con, cháu của những người hoạt động kháng chiến, dân thường bị nhiễm chất độc hóa học. Phần lớn gia đình các nạn nhân chất độc da cam có cuộc sống rất khó khăn, nhiều người không đủ khả năng lao động, nhiều gia đình có tới hai, ba thế hệ nhiễm rất thương tâm. Số tiền trợ cấp hàng tháng chỉ đủ lo thuốc thang, chữa bệnh, không đảm bảo cho mức sống hàng ngày.
Để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, những năm qua Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, nhân dân cũng như Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin thị xã đã luôn chia sẻ, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam cả về tinh thần lẫn vật chất. Trong 5 năm (2013-2018) Hội nạn nhân chất độc da cam điôxin thị xã đã vận động 195 lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ với số tiền gần 180 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi tặng quà nhân các ngày lễ, Tết, Ngày Chất độc da cam (ngày 10/8) với số tiền trên 130 triệu đồng, góp phần xoa dịu đau đớn, chia sẻ thiếu thốn với các nạn nhân; đưa một số nạn nhân đi xông hơi giải độc để nâng cao sức khỏe. Phối hợp với phòng Lao động Thương binh và Xã hội rà soát các đối tượng tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn thị xã, ngoài số đối tượng nạn nhân chất độc da cam đã được hưởng chế độ chính sách thì vẫn còn rất nhiều người bị nhiễm chất độc da cam/điôxin chưa được hưởng chế độ cần được quan tâm trong thời gian tới. Ông Trần Văn Thảo- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thị xã An Khê cho biết: “Phương hướng tới thì Hội Nạn nhân chất độc da cam thị xã cũng căn cứ vào Nghị quyết đại hội quyết tâm thực hiện được các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong đại hội đã đề ra như là chỉ tiêu vận động xây dựng quỹ nạn nhân chất độc da cam để chăm sóc nạn nhân, thứ hai là phát triển hội và hội viên, thứ ba là chăm sóc tốt hơn nữa, vận động tốt hơn nữa nguồn lực toàn xã hội để chăm sóc nạn nhân”.
Để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, thiết nghĩ cả cộng đồng cần chung tay, góp sức và cùng nhau thắp lên những ngọn lửa bằng tất cả tình yêu thương để những nỗi đau vơi bớt, để những cảnh nghèo được sẻ chia, những nạn nhân da cam được hoà nhập, vươn lên trong cuộc sống.
                                                                            
Phương Thanh
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017