CHUYÊN MỤC

Sưu tầm văn nghệ dân gian Tây Nguyên: Từ không đến có

12/12/2017
(GLO)- Kho tàng văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số Tây Nguyên không chỉ đồ sộ mà còn vô cùng độc đáo. Đó là những “bảo tàng sống” về đời sống xã hội của một tập hợp phong phú các tộc người bản địa, của tín ngưỡng đa thần giáo, của hệ thống các phong tục tập quán riêng biệt, của những áng văn chương truyền miệng dài hơi mà các nghệ nhân hát kể “suốt ngày dài đêm thâu”, của nhịp điệu ching chiêng và vòng xoang quyến rũ…

Ngay từ khi người Pháp đặt chân đến miền đất Tây Nguyên, bề dày và tính độc đáo của văn hóa dân gian Tây Nguyên đã cuốn hút họ. Không phải ngẫu nhiên mà một nhà văn hóa lớn như Condominas nhiều năm sau, sang tận thế kỷ XXI còn nặng lòng với việc trở lại  vùng đất của anh em Mnông Gar (Đak Lak). Hoặc một Sabachie đã gần như “lãng quên” cả vai trò công sứ khi sưu tầm và dịch sang tiếng Pháp không chỉ Trường ca Đam San mà còn cả bộ luật tục hàng trăm câu bằng vần của người Ê Đê. Hay một Jacques Dournes yêu đến chấp nhận từ bỏ tất cả, sống và chết với Tây Nguyên...

Cũng từ những năm tháng ấy, bước chân các học giả, nhà nghiên cứu như: Nguyễn Đổng Chi, Cửu Long Giang, Toan Ánh... đã lần lượt nối tiếp bước hành trình tìm đến Tây Nguyên để có những “Mọi Kon Tum” (nay được xuất bản dưới tên gọi “Người Bahnar ở Kon Tum”),  “ Buôn làng cổ truyền xứ Thượng” mà cho đến hôm nay vẫn còn là những tác phẩm khiến người đọc phải lưu tâm bởi tính xác thực của những tư liệu gốc... Còn tại Hà Nội, khi đất nước đang bị tạm chia làm 2 miền, những bản trường ca, sử thi bất hủ của Tây Nguyên ra mắt dưới dạng tác phẩm văn học (Đam San, Xinh Nhã...), những điệu múa, làn điệu dân ca độc đáo... cũng đã được các nhà sưu tầm nghiên cứu giới thiệu với bạn yêu văn học nghệ thuật trong và ngoài nước.

Từ sau năm 1975, việc sưu tầm nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên được đặt thành trách nhiệm của nhiều ngành và dần trở thành đích đến không thể thiếu của những người làm công tác nghiên cứu  khoa học văn hóa xã hội, văn nghệ dân gian.

Năm 1982, ngành Văn hóa các tỉnh Tây Nguyên, với sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Văn hóa-Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, đã tổ chức lớp khai thác, phát huy văn hóa âm nhạc cổ truyền tại Đak Lak, đặt những dấu ấn đầu tiên cho công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa-văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, ngay tại Tây Nguyên. Lần đầu tiên, bài học vỡ lòng của phương pháp sưu tầm có “bài bản” qua đo đạc, ghi âm, ghi hình, ghi chép… được các thầy tỉ mỉ hướng dẫn, trò trân trọng tiếp thu.  

Từ năm 1989 trở đi, Tây Nguyên trở thành một trong những địa chỉ được đặc biệt chú trọng trong công tác sưu tầm, nghiên cứu của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Hình ảnh các GS Đặng Nghiêm Vạn, Chu Thái Sơn, Ngô Đức Thịnh, Đỗ Hồng Kỳ, Phan Đăng Nhật... miệt mài, lặn lội ghi âm, chỉnh lý; các GS Tô Vũ, Trần Quốc Vượng, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Xuân Kính say sưa trên bục giảng ươm gieo không chỉ kiến thức mà còn cả sự tận tụy với nghề đã trở thành những tấm gương trên con đường dài vạn dặm dẫn đến với văn hóa Tây Nguyên.  

Hạt giống gieo xuống đất màu bazan đã nên cây, mỗi ngày thêm xanh và ra hoa kết trái. Chi hội Văn nghệ Dân gian đầu tiên ở Tây Nguyên đã được thành lập ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đak Lak. Tiếp đó là chi hội Kon Tum, rồi chi hội Gia Lai, Lâm Đồng... lần lượt ra mắt với cùng một mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống Tây Nguyên.

Tôi luôn nhớ về những người bạn đồng nghiệp như TS. Tấn Vịnh (Quảng Nam) luôn thủy chung với kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên. Hay nhà thơ Văn Công Hùng (Gia Lai) từ chỗ chỉ tò mò đã dần chuyển sang yêu mến và trân trọng những giá trị nhân bản của văn hóa, phong tục Tây Nguyên. Hoặc NSƯT Vũ Lân, nhà sưu tầm Trương Bi, cố nhạc sĩ Y Sơn Niê (Đak Lak); họa sĩ Phùng Sơn, cố nhạc sĩ Phạm Cao Đạt (Kon Tum); ThS. Nguyễn Quang Tuệ, TS. Nguyễn Thị Kim Vân, nghệ sĩ Trần Phong (Gia Lai), nhạc sĩ Krajan Plin (Lâm Đồng). Họ mê mải với những cây đàn, điệu múa, mảng hoa văn cổ, những bức tượng nhà mồ, từng trang sử thi... như người bới tro tìm ngọc, cho di sản văn hóa văn nghệ Tây Nguyên chói lòa lên trong ánh nắng mặt trời rực rỡ của cao nguyên. Rồi những nghệ nhân già, các “báu vật dân gian” đắm say với việc giữ hồn của rừng như: Điểu Kâu, Điểu Klứt, Điểu Klung (dân tộc Mnông), A Lựu, Gang, A Ya (Bahnar), Âe Wưu, Y Yơn (Ê Đê)... Kể không hết được những người đã sát cánh trên con đường góp phần gìn giữ tinh hoa của đời sống văn hóa truyền thống trên mảnh đất cao nguyên. Chỉ tiếc, ngoài các nghệ nhân, số anh chị em người dân tộc bản địa thực sự gắn bó, đam mê công tác sưu tầm, nghiên cứu để gìn giữ và bảo lưu văn hóa truyền thống của chính mình vẫn còn quá ít.

Dù sao cũng mừng vì đội ngũ mỗi ngày mỗi đông. Vui với những tác phẩm, những công trình nghiên cứu giới thiệu vẻ đẹp của văn nghệ dân gian Tây Nguyên ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Tiếc lắm những nghệ nhân lớn tuổi đã mang theo cả kho tri thức Tây Nguyên khổng lồ đi về cõi Mang Lung. Và thương lắm tấm lòng những con người ngày đêm lặng lẽ gạn đục khơi trong, làm sống lại cả một nền văn minh nương rẫy Tây Nguyên.

Theo Báo Gia Lai.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017