CHUYÊN MỤC

Những tín hiệu chấn động giới khảo cổ học thế giới

09/12/2015
(GLO)- Có thể nói khảo cổ học thời đại đồ đá ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là vùng đất hứa của khảo cổ học thời đại đồ đá của đất nước Việt Nam. Mặc dù được khám phá khá muộn nhưng những gì đã phát hiện được cho thấy ở Gia Lai có tiềm năng rất lớn trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai quật khảo cổ học, đặc biệt thời đại đá cũ-một trong những phát hiện mới có ảnh hưởng lớn trong nước cũng như quốc tế. Đó là những tín hiệu vui cho khảo cổ học Việt Nam nói chung và khảo cổ học Gia Lai nói riêng.

Những phát hiện khảo cổ học ở Tây Nguyên được biết vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do các giáo sĩ và sĩ quan người Pháp thực hiện. Ở Gia Lai, từ tháng 11-1953 đến tháng 6-1954, B.P. Lafont tiến hành điều tra dân tộc ở vùng người Jrai để làm Từ điển Pháp-Bahnar, Pháp-Jrai đã phát hiện các hiện vật bằng đá và gốm tiền sử ở tỉnh Pleiku (1).

Sau năm 1975, khảo cổ học ở Gia Lai thực sự chuyển mình. Nhiều chương trình nghiên cứu về Tây Nguyên và các cuộc điều tra, sưu tầm, khai quật do cán bộ Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng tỉnh thực hiện. Đến nay ở Gia Lai đã phát hiện khoảng 80 di tích khảo cổ thời tiền sử, trong đó 7 di tích đã tiến hành khai quật: Biển Hồ, Trà Dôm (TP. Pleiku); thôn 7, Ia Mơr (huyện Chư Prông); Tai Pêr, làng Ngol (huyện Chư Sê). Các di tích này được xác nhận thuộc văn hóa Biển Hồ. Cư dân văn hóa Biển Hồ là những người định cư, làm nông nghiệp gần những hồ nước lớn, có quan hệ nhất định với các nhóm cư dân cổ ven biển miền Trung, cư dân tiền sử Lào, Campuchia và đặc biệt là cư dân văn hóa Lung Leng (Kon Tum).

Năm 2010 di tích Bang Keng (huyện Krông Pa)-một trong những di tích mang dấu ấn văn hóa Chăm Pa được tiến hành khai quật. Trên cơ sở nghiên cứu các loại hình kiến trúc, kỹ thuật xây dựng của di tích Bang Keng, bước đầu xác định niên đại vào khoảng thế kỷ VII-VIII sau Công nguyên. Có thể nói rằng sự tồn tại của văn hóa Chăm Pa ở vùng đất Gia Lai không chỉ để lại những dấu ấn về vật chất mà còn biểu hiện quá trình giao thoa, ảnh hưởng và dung hòa vào đời sống tinh thần của cư dân bản địa. Những phát hiện mới nhất tại di tích Bang Keng cùng với những nhận thức ban đầu về những di tích kiến trúc hay các dấu tích văn hóa Chăm Pa trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho thấy vùng đất này đã từng giữ một vai trò quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của nền văn hóa Chăm Pa trong lịch sử.

Năm 2015, cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiến hành điều tra, khảo sát khảo cổ tại khu vực huyện Chư Prông đã tìm thấy những công cụ đá kiểu Văn hóa Hòa Bình muộn (6.000-5.000 năm cách ngày nay)(2)-một nền văn hóa khảo cổ đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển rực rỡ của thời kỳ đá mới, đặt nền móng cho sự phát triển của nhiều nền văn hóa sau này.

Đặc biệt tháng 11-2015, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosbrisk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tiến hành khai quật tại di tích Gò Đá và di tích Rộc Tưng thuộc thị xã An Khê đã thu thập được những công cụ có giá trị tiêu biểu thuộc thời kỳ đá cũ. Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia Nga thì các công cụ đá cũ ở đây có nét cổ xưa hơn so với sưu tập đá Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) vốn được định niên đại khoảng 80 vạn năm trước.

Kết quả nghiên cứu, khai quật khẳng định An Khê có mặt các di tích cổ xưa của nhân loại. Đây là các chế phẩm của người vượn đứng thẳng (Homo erectus), minh chứng cho giai đoạn bình minh của lịch sử dân tộc. Những di tích này góp phần nghiên cứu, biên soạn lịch sử nước nhà và vị trí của chúng trong diễn trình hình thành và phát triển đầu tiên của nhân loại trên đất Gia Lai. Những phát hiện này mở ra một triển vọng lớn cho các chương trình hợp tác khai quật khảo cổ tiếp theo và cơ sở xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng.
 
PGS.TS Nguyễn Giang Hải-Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Kết quả nghiên cứu lần này đã vượt quá sự mong đợi và cũng gây lên một sự chấn động với các nhà khảo cổ học thế giới vì nơi đây đã tìm thấy các di vật cổ xưa của loài người chính trong tầng văn hóa. Đó thực sự là những tín hiệu vui không chỉ đối với các nhà khảo cổ như PGS. TS Nguyễn Khắc Sử đã nói: “Trong nghề khảo cổ, không phải ai cũng có may mắn, cơ duyên gặp và khai quật được những loại công cụ tiêu biểu như thế này” mà còn là niềm vinh dự của Gia Lai nói riêng, Việt Nam nói chung trên bản đồ đá cũ thế giới. Tín hiệu vui ấy còn nhân lên gấp bội khi Viện sĩ Anatoly Derivenko-Viện trưởng Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosbrisk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga còn cho biết sẽ có kế hoạch phối hợp lâu dài với Viện Khảo cổ học Việt Nam để tiến hành nghiên cứu, khai quật tại khu vực này trong những năm tiếp theo.
Theo Báo Gia Lai.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017