CHUYÊN MỤC

Sơ lược kết quả 4 năm khai quật và nghiên cứu hệ thống các di tích sơ kỳ Đá cũ tại thị xã An Khê

23/04/2018
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) giai đoạn 2015-2019. Qua 4 năm tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ Việt – Nga đã phát hiện trên 20 di chỉ sơ kỳ Đá cũ trong vùng đồi gò thung lũng An Khê; đặc biệt tại khu vực Gò Đá, phường An Bình và Rộc Tưng, xã Xuân An đã khai quật tổ hợp công cụ đá với hàng nghìn hiện vật, bước đầu đã xác định niên đại khoảng 80 vạn năm cách ngày nay.

Năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai chủ trì triển khai đề tài cấp tỉnh “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến nay”, bước đầu phát hiện một số di tích thời đại Đá cũ ở thượng lưu sông Ba.

Từ phát hiện ban đầu này, tháng 6/2014, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam triển khai đề tài cấp bộ “Nghiên cứu hệ thống di tích thời đại Đá vùng thượng du sông Ba, tỉnh Gia Lai”; trên cơ sở đó, phối hợp UBND huyện Kbang, Đăk Pơ và thị xã An Khê tiến hành khảo sát thực địa. Kết quả nghiên cứu và khai quật đã phát hiện 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai gồm Gò Đá, Rộc Tưng, Rộc Hương, Rộc Giáo và Rộc Lớn.
Cuối năm 2014, các di tích được thẩm định và chính thức đưa vào Chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) giai đoạn 2015-2019.
 
Từ năm 2015 đến năm 2018, các nhà khảo cổ học đã tiến hành 04 đợt khai quật tại di tích Gò Đá - phường An Bình và Rộc Tưng - xã Xuân An, thị xã An Khê.
 
Đợt 1 (tháng 11-12/2015): Khai quật tại di chỉ Gò Đá, phường An Bình, Đoàn khai quật đào 9 hố thám sát, mỗi hố 2m2 (1m x 2m) và mở 1 hố khai quật 20m2 (2m x 10m). Tại hố khai quật thu được 55 hiện vật gồm: 17 nạo, 09 mũi nhọn, 05 chopper, 01 chày, 02 hòn ghè, 08 mảnh tước, 12 hạch đá và 01 mảnh tectit. Các hiện vật nằm trong địa tầng nguyên vẹn với tổ hợp di vật đặc trưng cho sơ kỳ thời đại Đá cũ.
Trước đó, vào năm 2014, xung quanh Gò Đá đã tìm thấy 97 hiện vật, gồm: 14 mũi nhọn, 01 rìu tay, 02 công cụ hình rìu, 07 công cụ lưỡi dọc, 03 công cụ lưỡi lõm có mũi nhọn, 04 chopper, 02 công cụ mảnh, 01 công cụ nhiều rìa, 15 hòn ghè, 25 hạch đá, 01 chày, 01 bàn nghiền, 15 mảnh tước và 06 viên đá có vết ghè. Những di vật này khác và cổ hơn các kỹ nghệ Đá cũ hiện biết ở Việt Nam.

1.JPG

Đợt 2 (tháng 3-4/2016):
Tại Gò Đá: Đoàn khảo cổ mở thêm 3 hố liền kề diện tích 74m2, tìm thấy 58 hiện vật đá (gồm 09 công cụ mũi nhọn, 05 chopper, 09 công cụ nạo, 02 hòn ghè, 06 công cụ mảnh tước, 03 công cụ hạch không định hình, 12 mảnh tước và 12 hạch đá) và 21 mảnh tectit. Tất cả hiện vật này đều tìm thấy trong tầng văn hóa.

 
2.JPG

- Cùng thời gian này, di chỉ Rộc Tưng chính thức được cấp phép khai quật. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 12 điểm có dấu tích văn hóa của người nguyên thủy ở Rộc Tưng, được đánh số và gọi theo số thứ tự trong quá trình phát hiện từ Rộc Tưng 1 đến Rộc Tưng 12. Hai trong số các địa điểm đó là Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 đã được khai quật. Cụ thể:
Tại Rộc Tưng 1: Được khai quật với diện tích 48m2 (6m x 8m). Trong hố khai quật Rộc Tưng 1 thu được 46 hiện vật đá (gồm 01 công cụ ghè hết một mặt (uniface), 07 công cụ mũi nhọn, 02 công cụ nạo cắt, 01 công cụ chặt dạng chopper, 18 mảnh cuội có vết gia công, 04 mảnh tước, 13 hạch đá và 102 mảnh tectit. Tại đây, cấu trúc của bề mặt tầng văn hóa xuất lộ một số công cụ đá, nhiều mảnh thạch anh đổ thành các cụm tương đối rộng đến vài mét vuông, liên kết chặt. Đó là căn cứ để ghi nhận, đây là điểm cư trú của người nguyên thủy, có thể liên quan đến việc gia cố nền lều trại xa xưa.

Tại Rộc Tưng 4: Được khai quật 20m2 (4m x 5m), thu được 77 hiện vật đá gồm: 01 công cụ mũi nhọn, 04 công cụ nạo, 01 hòn ghè, 01 chopper, 14 hạch đá, 23 mảnh tước và 33 mảnh đá có vết ghè. Ngoài hiện vật đá, ở đây còn tìm thấy 25 mảnh tectit.

3.JPG
 
Đợt 3 (tháng 3-4/2017): Đoàn tiến hành khai quật tại Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7. Đoàn khai quật mở rộng 70m2 (10m x 7m) liền kề về phía tây của hố khai quật năm trước.

Tại Rộc Tưng 4: Đào hai hố diện tích 30m2 và 4 hố thăm dò, mỗi hố 2m2  Hiện vật thu được hết sức phong phú, đa dạng với 478 di vật đá gồm 14 công cụ chặt, 10 công cụ mũi nhọn, 12 công cụ nạo, 01 công cụ ghè một mặt (uniface), 01 công cụ ghè 2 mặt (biface), 19 công cụ dạng hạch, 19 hạch đá, 139 công cụ đá có vết ghè, 263 mảnh tước và 252 mảnh thiên thạch. Đây là di tích có mật độ di vật đá và thiên thạch nhiều nhất. Tại đây, ngoài các công cụ chặt (chopper), công cụ cắt/nạo, đã tìm thấy trong tầng văn hóa một số công cụ ghè hết một mặt (uniface), ghè 2 mặt (biface) và mũi nhọn tam diện (triangle shaped cross section pick) khá chuẩn xác.

 
4.JPG

Trong di tích này, loại đá có vết ghè tách mảnh và mảnh tước có 402 chiếc (chiếm trên 84% tổng số di vật đá). Mặt âm các hạch đá và cuội có vết ghè ở đây tương ứng với mảnh tước của di tích. Đây chính là căn cứ để ghi nhận, địa điểm này là nơi khai thác, tuyển lựa nguyên liệu đá cuội và chế tác công cụ của người nguyên thủy.

Tại Rộc Tưng 7: Đoàn đào 01 hố thám sát 20m2, xuất lộ tầng văn hóa dày khoảng 20cm. Hiện vật thu được khá phong phú với 152 di vật đá gồm 08 công cụ chặt, 05 công cụ mũi nhọn, 04 công cụ nạo, 07 công cụ dạng hạch, 08 hạch đá, 58 hiện vật đá có vết ghè, 62 mảnh tước và 70 mảnh thiên thạch. Tiêu biểu cho tổ hợp công cụ đá ở đây là những công cụ chặt thô, mũi nhọn, nạo được làm từ những viên cuội lớn, vết ghè thô sơ, cũng có một số ít công cụ được làm từ mảnh tước hoặc cuôi bổ. Trong số di vật đá thu được có tới 120 chiếc là các hạch đá và mảnh tước. Chính vì vậy, về mặt tính chất di chỉ thì đây cũng là một địa điểm khai thác nguyên liệu và chế tác công cụ đá giống như Rộc Tưng 4.
 
 
5.JPG

Đợt 4 (tháng 4/2018): Đoàn tiếp tục khai quật tại điểm Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7.

Tại Rộc Tưng 1: Đoàn tiếp tục đào sâu 30m2 trong số 70m2 đã khai quật năm trước nhằm làm rõ cấu trúc bề mặt di tích (điểm di tích này được xây nhà mái che bảo vệ hiện vật tại chỗ). Trong độ sâu từ 0,8m đến 1,1m đã xuất lộ 11 di vật đá gồm hạch đá, mảnh tước, công cụ mũi nhọn, nạo và công cụ ghè hai mặt. Ngoài ra, còn phát hiện 20 mảnh tectic, trong đó có 01 mảnh tectic hình giọt nước, bề mặt xù xì, tư thế rơi vào tâng văn hóa trong điều kiện nguyên vẹn, tăng độ tin cậy khi xác định niên đại đồng vị K/Ar cho kết quả từ 782.000 ± 20.000 năm cách ngày nay.

                         
6.JPG

Tại Rộc Tưng 4: Khai quật thêm 100m2, thu được 1.811 hiện vật đá gồm 50 hạch đá, 22 công cụ chặt kiểu chopper, 19 công cụ mũi nhọn, 15 công cụ nạo, 05 công cụ có 01 đầu nhọn, 1.458 mảnh đá được tách ta từ hạch đá hoặc các viên cuội khác trong quá trình chế tác công cụ, 242 cuội có vết ghè.
Tại Rộc Tưng 7: Khai quật thêm 20m2 thu được 34 công cụ đá gồm 01 công cụ chặt, 02 công cụ nạo, 01 chày, 06 hạch đá, 18 hòn cuội có vết gia công, 16 mảnh tước và 27 mảnh tectic.

Trong thời gian khai quật tại Rộc Tưng 1 và 4, Đoàn khảo cổ đồng thời tiến hành khảo sát lại các điểm Rộc Tưng 6, 8 và 10 của xã Xuân An; khu vực Núi Đất của xã Thành An nhằm làm điểm khai quật cho năm 2019.
Qua 4 năm khai quật và nghiên cứu, bước đầu các nhà khoa học nhận định về các di tích khảo cổ ở An Khê như sau:

Về niên đại và tính chất của các di tích khảo cổ:
Bằng phương pháp K/Ar (định tuổi bằng đồng vị phóng xạ) 02 mẫu tectic thu được ở Gò Đá và Rộc Tưng trong đợt khai quật năm 2016 đã xác định niên đại ở di tích Gò Đá, phường An Bình là 806.000 ± 22.000 năm và Rộc Tưng 1 là 782.000± 20.000 năm cách ngày nay. Khung niên đại chung cho các di tích này vào khoảng trên dưới 80 vạn năm cách ngày nay, tương đương với niên đại của kỹ nghệ Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là bằng chứng cho thấy các di tích này thuộc sơ kỳ thời đại Đá cũ có niên đại cổ nhất hiện biết ở Việt Nam và là một trong những hệ thống di tích quý hiếm ở khu vực Châu Á cũng như thế giới.
Những tư liệu khai quật tại thị xã An Khê bước đầu xác nhận ở thung lũng An Khê tồn tại các loại hình di tích như: cư trú là chính (Rộc Tưng 1) và chế tác công cụ là chính (Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7). Ở khu vực cư trú là chính có thể người nguyên thủy đã biết cải tạo ít nhiều mặt bằng nơi dựng lều trại, sử dụng đá tự nhiên tôn nền, chống lầy lội vào mùa mưa. Trong khi đó nơi chế tác công cụ có bề mặt lồi lõm, với mật độ tập trung cao đá nguyên liệu, hạch cuội và mảnh tước.

Về chủ nhân các di tích: Từ các chế phẩm đồ đá tìm thấy trong các di tích ở An Khê, các nhà khoa học có thêm cơ sở khẳng định đây chính là các chế phẩm của người nguyên thủy, ở giai đoạn sơ kỳ thời đại Đá cũ, tương đương với giai đoạn tồn tại của Người đứng thẳng (Homo erectus), tổ tiên trực tiếp của Người hiện đại. Tuy chưa thấy các di tích hữu cơ như xương, răng động vật, than bếp, mộ táng và di cốt người nhưng các chế phẩm tìm thấy ở đây là bằng chứng về di tồn văn hóa của người tối cổ thuộc giai đoạn bình minh của lịch sử nhân loại.
Về kỹ nghệ chế tác công cụ: Bước đầu nhận định rằng người cổ An Khê chế tác, sử dụng những công cụ cuội đá quartz và quartzite rất cứng, có kích thước lớn; kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp, đá ghè đá, thô sơ, nhưng có hệ thống. Họ đã tạo ra tổ hợp công cụ tiêu biểu gồm những mũi nhọn hình khối tam diện, công cụ ghè một mặt (uniface), ghè hai mặt (biface), công cụ chặt thô dạng chopper, chopping; những công cụ nạo làm từ mảnh tước, cuội bổ và công cụ dạng hạch cuội bất định hình. Đặc biệt, tại các di tích ở An Khê có kỹ thuật chế tác công cụ mũi nhọn hình khối tam diện (triangle shaped cross section pick) mang đặc trưng riêng so với các khu vực khác.
Bằng phân tích so sánh, bước đầu ghi nhận: tổ hợp công cụ sơ kỳ Đá cũ vùng An Khê khác và cổ hơn các sưu tập sơ kỳ Đá cũ đã biết ở Việt Nam như Núi Đọ (Thanh Hóa) và Xuân Lộc (Đồng Nai); có nét quy chuẩn hơn rìu tay ở các di tích Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc), nơi có niên đại gần 80 vạn năm.

Về giá trị lịch sử - văn hóa các di tích Đá cũ An Khê:
Với phát hiện trên 20 địa điểm sơ kỳ Đá cũ trong một vùng rộng vài trăm hecta ở vùng đồi gò, thung lũng An Khê là bằng chứng về sự hiện diện của cộng đồng người giai đoạn tối cổ của nhân loại trên đất nước Việt Nam. Đây là nguồn sử liệu xác nhận mốc khởi đầu của lịch sử Việt Nam. Những phát hiện phức hợp công cụ ghè hai mặt và rìu tay ở An Khê đã bổ sung thung lũng An Khê, Việt Nam vào bản đồ xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới.
Việc phát hiện các di tích ở thị xã An Khê có ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hóa của nhân loại, không chỉ đối với riêng thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai mà còn với cả nước và trên thế giới, được đánh giá là một trong mười sự kiện khoa học nổi bật năm 2016. Ngày 15/01/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định số 15/QĐ-UBND xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với “Di tích thời đại Đá cũ Rộc Tưng, Gò Đá tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai”. Ngoài ra, tại cuộc họp báo thông báo kết quả khai quật khảo cổ học do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Viện Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đặc cách công nhận nhóm di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 2017, tại điểm Rộc Tưng 1, nơi xác định có nhiều hiện vật và đặc trưng nhất của cụm di tích, Ủy ban nhân dân thị xã An Khê đã xây dựng nhà bảo vệ ngoài trời nhằm bảo tồn tại chỗ hố khai quật, làm điểm tham quan, nghiên cứu, học tập và có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ các điểm di tích. Dự kiến trong tháng 3 năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ hai tại thị xã An Khê, quê hương của di tích.
Những phát hiện, nghiên cứu khảo cổ học ở An Khê bước đầu mở ra triển vọng lớn cho các chương trình hợp tác quốc tế tiếp theo, nghiên cứu lâu dài của nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau; làm cơ sở xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói chung và khu vực đông Gia Lai nói riêng.

Thanh Hoàng (Tổng hợp tư liệu của Đoàn khai quật hợp tác Việt Nga)

 
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017