CHUYÊN MỤC

Hội thảo Khoa học "Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn"

25/11/2017
Ngày 24/11/2017, tại thị xã An Khê đã diễn ra hội thảo khoa học “Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn” do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức. Tham dự hội thảo có đồng chí Châu Ngọc Tuấn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, Võ Ngọc Thành - Phó Bí thư- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Huỳnh Nữ Thu Hà- Phó chủ tịch UBND tỉnh, các đ/c trong BTV tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND-UBND-UBMTTQVN, các sở ngành tỉnh Gia Lai và thị xã An Khê, GS, NGND Phan Huy Lê- Viện sĩ thông tấn- Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc- Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, có 35 Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ thuộc các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các trường đại học trong nước; lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch - tỉnh Bình Định, Sở Du lịch Tp.Hồ Chí Minh; lãnh đạo các huyện lân cận: Tây Sơn - tỉnh Bình Định, huyện Đăk Pơ, Kbang, Kongchoro; các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, giáo viên giảng dạy lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thông qua các báo cáo và thảo luận sôi nổi về 2 phần. Phần thứ nhất, “Khởi nghĩa Tây Sơn và Tây Sơn Thượng đạo” đề cập đến một số vấn đề vừa tổng quát, vừa cụ thể gắn với giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và vai trò của vùng đất Tây Sơn thượng đạo trong cuộc khởi nghĩa. Phần thứ hai, “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tây Sơn thượng đạo” với các nhóm vấn đề về nhận diện Tây Sơn thượng đạo và di sản Tây Sơn thượng đạo; phát huy giá trị di sản Tây Sơn thượng đạo trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, văn hóa, du lịch và phát triển kinh tế. Có 40 báo cáo tham luận của 47 tác giả.
Nhiều báo cáo, tham luận có giá trị thực tiễn, như: "Tây Sơn Thượng đạo, nơi khởi đầu khởi nghĩa Tây Sơn" (TS Đinh Bá Hòa); "Kinh nghiệm đoàn kết dân tộc của phong trào Tây Sơn và giá trị thực tiễn" (ThS Võ Thị Ái); "Vị trí địa chính trị - kinh tế - xã hội của Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn" ( PGS, TS Hà Mạnh Khoa), Tây Sơn thượng đạo dưới góc nhìn thời hiện đại (PGS.TS Hà Minh Hồng)...
Các tham luận đã tập trung vào các vấn đề thảo luận về khởi nghĩa Tây Sơn và Tây Sơn Thượng đạo, vùng đất Tây Sơn Thượng đạo và các di tích lịch sử văn hóa của phong trào nông dân Tây Sơn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, di chỉ khảo cổ học tại An Khê và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Tây Sơn Thượng đạo, việc xây dựng nơi đây trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trong mối liên hệ với xây dựng công viên địa chất toàn cầu của tỉnh; phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ học, giá trị địa chất của vùng Tây Sơn Thượng đạo gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc- Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhận xét: "Phải nói đây là một hội thảo được chuẩn bị rất công phu, được tổ chức trong một Hội trường, một không gian rất là trang trọng. Tôi cũng đã được dự khá nhiều hội thảo về Tây Sơn, chưa bao giờ tôi thấy hội thảo được tổ chức hoành tráng với chất lượng chuyên môn cao như như thế này. Hội thảo đã đạt được mục tiêu rất là cao về mặt khoa học và mặt thực tiễn, phục vụ cho chiến lược phát triển toàn diện của vùng Tây Sơn thượng đạo, tôi đánh giá rất cao về kết quả hội thảo".
          Cách đây gần hai thế kỷ rưỡi, vào năm 1771, ba anh em nhà Tây Sơn đã chọn vùng đất Tây Sơn thượng đạo, nơi có địa thế hiểm yếu làm căn cứ địa đầu tiên của cuộc khởi nghĩa, dựa vào nguồn tài nguyên, nhân lực của vùng đất này và tăng cường tinh thần đoàn kết người Kinh, người Thượng để tập hợp lực lượng, cơ sở vật chất cho cuộc khởi nghĩa, mở đầu chương sử huy hoàng của thời đại Tây Sơn, đồng thời mở ra chương sử mới của lịch sử đất nước.
Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991, gồm 6 cụm, 17 di tích phân bố trên địa bàn bốn huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai, gồm: An Khê, Kbang, Đăk Pơ và KongChro. Tuy nhiên, nhiều năm qua, quần thể di tích này vẫn chưa được đầu tư xứng tầm và ít người biết đến.
Qua hội thảo, các nhà khoa học cũng đề xuất và bàn các giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị thuộc di tích, đồng thời kêu gọi đầu tư vào du lịch, quy hoạch phát triển quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, tạo điểm nhấn du lịch ở Gia Lai trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch - Bí thư Thị ủy - Chủ tịch HĐND thị xã An Khê cho biết: “Chính quyền địa phương và nhân dân chúng tôi trong thời gian qua luôn luôn ý thức được việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cũng gắn với phát triển kinh tế. Đặc biệt, ở An Khê vùng cửa ngõ phía Đông có sự kết nối giao thông, kết nối giữa các vùng Tây Sơn- Bình Định, Kbang mở ra một hướng đi mới trong du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch kết nối vùng biển và vùng Tây Nguyên, kết nối giữa văn hóa người kinh và người Bahnar, Jơ Rai ở vùng Tây nguyên này và hiện nay đang ra sức bảo tồn và gắn việc bảo tồn các giá trị, cơ sở văn hóa vật thể với việc tăng cường các hoạt động văn hóa phi vật thể. Qua những việc đó, chúng tôi cũng mong muốn quảng bá đến các tỉnh bạn trong nước và ngoài nước để các bạn có thể đến tham quan, du lịch, tham gia những lễ hội này cùng nhân dân An Khê - Tây Sơn thượng đạo”.  
Đây là lần đầu tiên Gia Lai tổ chức hội thảo về chủ đề Tây Sơn Thượng đạo tại chính cái nôi, căn cứ địa đầu tiên của cuộc khởi nghĩa nông dân do ba anh em nhà Tây Sơn lãnh đạo vào cuối thế kỷ XVIII. Hội thảo nhằm bổ sung tư liệu mới, tiếp tục làm rõ ý nghĩa lịch sử- văn hóa các di tích  trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo; khơi dậy niềm tự hào về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc; giáo dục truyền thống và phát huy tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau; đồng thời, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của các di tích, góp phần phát triển kinh tế-xã hội thị xã nói riêng và vùng Đông Bắc Gia Lai nói chung.
Trước đó, ngày 23-11, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đến tham quan tại các địa điểm nằm trong quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo như An Khê Trường, An Khê Đình, Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo, Miếu Xà (thị xã An Khê) và làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang), qua đó, giúp các đại biểu nắm bắt tình hình, thực trạng các điểm di tích ngay tại địa phương phát tích của phong trào Tây Sơn, áp dụng vào các công trình, nghiên cứu về Tây Sơn thượng đạo sau này.

Phương Thanh 
(Đài An Khê)
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017