Bảo tồn và phát huy quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo

07/03/2019
Ngày 6-3, đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai do đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát thực tế và làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy An Khê, Thường trực Huyện ủy các huyện: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ để bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo.
Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
 
Khó khăn trong công tác trùng tu, bảo tồn
 
Vùng đất phía Đông tỉnh được xem là cái nôi của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ. Trên vùng đất này còn lưu lại 6 cụm di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa, phân bố trên địa bàn 4 huyện, thị xã gồm: An Khê, Kông Chro, Đak Pơ, Kbang. Các cụm di tích này đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa Quốc gia năm 1991. Trong đó, tại thị xã An Khê có 3 cụm di tích gồm: An Khê trường, An Khê đình, Gò Chợ; Miếu Xà, Cây Ké, Cây Cầy; Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tảo, Gò Kho-Xóm Ké. Tại huyện Kbang có cụm di tích Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu; huyện Đak Pơ có cụm di tích Hòn đá Ông Nhạc; huyện Kông Chro có cụm di tích Nền nhà, Hồ nước, Kho tiền Ông Nhạc.
 
 
Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch giới thiệu với đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy về bản quy hoạch Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo.   Ảnh: Q.T
Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch giới thiệu với đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy về bản quy hoạch Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Q.T
 
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy An Khê: Trong những năm gần đây, cùng với quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo, các nhà khảo cổ trong nước và thế giới đã phát hiện những di chỉ khảo cổ sơ kỳ Đá cũ tại khu vực Rộc Tưng (xã Xuân An) và Gò Đá (phường An Bình) có niên đại từ 80 vạn năm đến 1 triệu năm. Đây là cơ sở chứng minh An Khê là một trong những cái nôi của loài người. Quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo và các di tích khảo cổ học trên địa bàn thị xã là nguồn tài nguyên vô giá của địa phương nói riêng, cả nước nói chung, cần được bảo tồn, phát huy trong thời gian tới.
 
Tuy nhiên, việc trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo cũng như các di chỉ khảo cổ học đang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: các cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo hiện nay đã xuống cấp nhưng việc đầu tư trùng tu, tái tạo gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế; hiện vẫn chưa xác định được ngày “Khởi binh, tụ nghĩa” của anh em nhà Tây Sơn nên chưa có cơ sở tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm; quần thể di tích được phân bố trên địa bàn 4 huyện, thị xã nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan thống nhất quản lý chung nên khó khăn trong công tác kết nối, quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và phát triển du lịch; hạ tầng kết nối các điểm khai quật, di tích còn hạn chế nên gây khó khăn trong đi lại, vận chuyển, bảo vệ; công tác quản lý, bảo quản các hiện vật sau khi khai quật chưa được đảm bảo vì điều kiện cơ sở vật chất tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo hiện đã xuống cấp, hư hỏng…
 
Tương tự, đại diện lãnh đạo các huyện Kông Chro, Đak Pơ, Kbang cũng cho biết, các cụm di tích thuộc quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo được địa phương quan tâm bảo vệ và giữ gìn trong thời gian qua. Đồng thời, các địa phương cũng đã triển khai quy hoạch, xây dựng đề án trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị của các cụm di tích. Tuy nhiên, nguồn lực của các địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn nên việc trùng tu, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của các cụm di tích này vẫn còn bỏ ngỏ…
 
Trên cơ sở đó, các địa phương đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư xây dựng đường vào Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác bảo quản, trưng bày các hiện vật; tiếp tục tổ chức các hội thảo quốc tế, mời các chuyên gia về lĩnh vực đồ đá cũ trên thế giới về nghiên cứu tại An Khê…
 
Tập trung bảo tồn gắn với phát triển du lịch
 
Trên cơ sở chuyến khảo sát, kiểm tra thực tế một số cụm di tích thuộc quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo và Khu Di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng, các đại biểu tham dự buổi làm việc đã tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch các điểm di tích; đầu tư tôn tạo, trùng tu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo. Đồng thời, hình thành việc kết nối giữa các điểm di tích trên địa bàn 4 huyện nhằm phát huy, khai thác được hết giá trị, tiềm năng và phục vụ cho phát triển du lịch ở các địa phương.
 
 
Lãnh đạo tỉnh khảo sát, kiểm tra thực tế tại Di tích An Khê đình.   Ảnh: Q.T
Lãnh đạo tỉnh khảo sát, kiểm tra thực tế tại Di tích An Khê đình. Ảnh: Q.T
 
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng đề án tổng thể để phát triển không gian của Khu Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, từ đó xác định đầu tư cái gì, kinh phí bao nhiêu để trình phê duyệt thực hiện trong thời gian tới. Các địa phương cần lưu ý khi trùng tu, khôi phục, tôn tạo lại các đình, công trình kiến trúc thuộc quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo phải giữ lại như cũ, không để mất đi các giá trị lịch sử, văn hóa của các cụm di tích. Sở Tài chính xem xét tham mưu tỉnh bố trí thêm kinh phí để đầu tư đường vào Khu Di tích (đường Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp), các hạng mục chính trong Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch giúp địa phương quảng bá, nâng tầm Di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng, góp phần phát triển du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, thị xã An Khê cần tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế về khảo cổ học (lần 2) năm 2019 và xúc tiến lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia…
 
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khẳng định: Tất cả các cấp, ngành phải nhận thức đầy đủ việc phát triển du lịch là vấn đề đang được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh. Do đó, việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo là vấn đề cấp thiết. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh nhanh chóng triển khai và chủ trì cùng với 4 huyện, thị xã lập quy hoạch trùng tu hoặc xây dựng mới từng điểm di tích. Trên cơ sở đó, báo cáo với UBND tỉnh, xin ý kiến của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời huy động tất cả các nguồn lực tài chính từ Trung ương, của địa phương và xã hội hóa để làm. Việc trùng tu quần thể di tích phải được triển khai đồng bộ ở từng điểm di tích và trong mỗi khu di tích phải đảm bảo đầy đủ các hạng mục. Riêng đối với việc trùng tu An Khê đình và An Khê trường không nên xây mới đền thờ 3 anh em nhà Tây Sơn. Đối với nguồn kinh phí hơn 27 tỷ đồng mà thị xã An Khê kiến nghị để trùng tu Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu bố trí cho thị xã để triển khai các hạng mục đã được phê duyệt.
 
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng giao Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh cùng với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, thị xã An Khê tham mưu cho tỉnh quy hoạch Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo ở phía Tây đèo An Khê với nội dung phục dựng toàn bộ phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn từ khi dấy binh khởi nghiệp cho đến khi kết thúc sự nghiệp của 3 anh em nhà Tây Sơn. Sau khi quy hoạch được phê duyệt thì triển khai thực hiện từng bước, tùy vào kinh phí. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang giao Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì, giúp huyện Kbang tổ chức hội thảo về công lao của bà Yă Đố để làm cơ sở cho huyện xin ý kiến triển khai xây dựng Đền thờ bà Yă Đố. Bí thư Tỉnh ủy cũng giao UBND tỉnh chủ trì tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế về khảo cổ học lần thứ 2 vào cuối tháng 3 này. Sau khi tổ chức xong thì tiếp tục củng cố, bổ sung, trùng tu để Khu Di tích khảo cổ học Rộc Tưng trở thành điểm du lịch của tỉnh trong quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo. Trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hội thảo để thu hút sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm góp phần quảng bá cho quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo.
Báo Gia Lai
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thôn An Thượng 2 - Xã Song An - Thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3537053
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3537053
1478004004_Mail.png  Email: songan.ankhe@gialai.gov.vn
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch UBND xã Song An
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT ngày 14/10/2013 của Sở Thông tin và Truyền thông
   Copyright © 2017