Các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19

07/04/2020
Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Hỏi: Trường hợp người nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Covid-19 từ chối hợp tác với cơ quan y tế thực hiện cách ly, thậm chí bỏ trốn, đi khỏi khu vực cách ly. Vậy, hành vi như vậy có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Covid-19 như thế nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời: Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, ngày 29/01/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Theo đó, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu; trường hợp này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 để phòng, chống dịch bệnh.
Như vậy, người nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Covid-19 sẽ có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật như sau: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 định nghĩa “Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm”, “Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm”. Bệnh truyền nhiễm được phân loại thành ba nhóm là nhóm A, nhóm B, và nhóm C; trong đó, Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh, gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng. Để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A không có quyền được từ chối chữa bệnh mà thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh (điểm a khoản 1 Điều 66); đồng thời, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A phải được cách ly; hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác. Trường hợp các đối tượng phải được cách ly không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ (Điều 49). Tương ứng với việc bắt buộc chữa bệnh, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định người mắc bệnh dịch nhóm A được khám và điều trị 2 miễn phí (khoản 2 Điều 48), quy định này vừa giúp người bệnh yên tâm chữa bệnh mà không phải lo lắng về gánh nặng chi phí khám bệnh, chữa bệnh, vừa giúp các biện pháp chống dịch được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.               Theo đó, tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ và Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thì người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng các chế độ sau:
- Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm.
- Được cấp không thu tiền các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
- Được miễn chi phí di chuyển từ nhà, từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác theo quyết định của người có thẩm quyền; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn và đúng quy định.
- Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
- Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.
- Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn.
           Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 cũng có các quy định trách nhiệm trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, như: khai báo trung thực diễn biến bệnh; tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú (khoản 1 Điều 34); trong trường hợp có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch (khoản 1 Điều 47); Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007nghiêm cấm hành vi: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 8); cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm (khoản 4 Điều 8); không chấp hành các biện 3 pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (khoản 7 Điều 8).
Về xử lý vi phạm, điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định trong trường hợp từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của Chính phủ. Với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, người vi phạm còn có thể bị xử lý về hình sự. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), tại Điều 240 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, quy định:
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
+ Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
+ Làm chết người.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
+ Làm chết 02 người trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy, hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, nếu hậu quả nghiêm trọng xảy ra sẽ cấu thành tội phạm, đủ điều kiện bị xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đó, để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, tránh lây lan trong cộng đồng gây hậu quả nghiêm trọng, các cấp, các ngành, các địa 4 phương cần thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020; Thông báo số 172-TB/TW ngày 21/3/2020 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 31/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai. Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “…Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh..”.
Vì vậy, người dân nên nâng cao ý thức, trách nhiệm, có bệnh cần phải tự giác trung thực và đặc biệt phải hiểu rằng cách ly trước hết là vì quyền lợi của chính bản thân mình, sau đó là quyền lợi của gia đình và cộng đồng xã hội. Đồng thời, các cá nhân, những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, các trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch, cũng cần phải chấp hành nghiêm việc cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung, cách ly tại gia đình theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid- 19?

Trả lời: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
1. Không khai báo y tế, trốn tránh cách ly bị xử lý hình sự
1.1 Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017) và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, gồm các hành vi:
- Trốn khỏi nơi cách ly;
- Không tuân thủ quy định về cách ly;
- Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; 
-Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
1.2 Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch 5 bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) :
- Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa;
- Không tuân thủ quy định cách ly;
- Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
- Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
2. Cơ sở kinh doanh “cố tình” kinh doanh có thể bị xử lý hình sự Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295Bộ luật Hình sự năm 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017)
3. Thông tin sai sự thật về dịch bệnh bị xử lý hình sự Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017) .
4. Xử lý hình sự người lợi dụng dịch bệnh để mua/bán thuốc, vật tư y tế thu lợi bất chính Người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước CHXHCN Việt Nam nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196.
Tại Công văn này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ 02 người trở lên, làm chết người...).
Đồng thời, trong thời gian có dịch bệnh Covid-19 phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống Covid-19 ra xét xử (phòng xử án tối đa 10 người, khoảng 6 cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiểu 02 mét...) và có phương án tuyên truyền phù hợp để bảo đảm công tác giáo dục, phòng ngừa chung./. 

 
Nguồn: Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thị xã An Khê.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thôn An Thạch- Xã Xuân An - Thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)656.2489 - 0984.525.846
1478004801_fax-(1).png  Fax: 
1478004004_Mail.png  Email: xuanan.ankhe@gialai.gov.vn
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch UBND xã Xuân An
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT ngày 14/10/2013 của Sở Thông tin và Truyền thông
   Copyright © 2017