Vài nét về Võ thuật cổ truyền An Khê - Tây Sơn Thượng Đạo

Vài nét về Võ thuật cổ truyền An Khê - Tây Sơn Thượng Đạo

Từ thế kỷ XVIII, vùng đất An Khê - Tây Sơn Thượng Đạo được anh em nhà Tây Sơn lựa chọn xây dựng làm căn cứ địa buổi đầu dựng nghiệp, chiêu binh luyện võ, gầy dựng quân đội và tổ chức khởi nghĩa, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lẫy lừng năm 1789. Vì thế, ngoài những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc mà Phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn lưu dấu, còn để lại những tinh hoa của võ thuật cổ truyền trên vùng đất này. Từ cái nôi ban đầu là đất võ Tây Sơn Bình Định, di sản võ học cổ truyền cũng được lưu truyền song hành trên đất An Khê.

Trải qua nhiều thăng trầm, võ thuật cổ truyền trên đất An Khê vẫn được gìn giữ, bảo tồn và tạo nên giá trị riêng có. Từ sau ngày An Khê được giải phóng, phong trào võ thuật cổ truyền phát triển khá mạnh, nhiều lò võ chiêu mộ võ sinh, truyền dạy võ học, tiêu biểu có lò võ của Võ sư Châu Kim Long, Võ sư Đoàn Ngọc Sang, Võ sư Thái Hóa Hưng,… tuy nhiên, chỉ tổ chức truyền dạy tự phát, chưa có tổ chức và quản lý của cơ quan chức năng.
Đến những năm 1990, căn cứ vào các văn bản quy định việc tổ chức, quản lý, phát triển võ thuật nói chung; ngành văn hóa – thể thao đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thành lập các câu lạc bộ sở thích như CLB thơ, cờ tướng – cờ vua, nhiếp ảnh, khiêu vũ, võ thuật, có Ban chủ nhiệm, xây dựng quy chế hoạt động cụ thể. Riêng câu lạc bộ võ thuật lúc đầu mới thành lập, có nhiều bộ môn võ khác nhau như: Võ cổ truyền, Vovinam, Taekwondo, Karatedo nhưng vì môn phái và đòn thế khác nhau, không thể sinh hoạt chung nên phải tách ra để dễ sinh hoạt và quản lý.
Năm 1991, Chi hội võ thuật cổ truyền An Khê được thành lập, đề cử Võ sư Châu Kim Long làm Chi hội trưởng và Võ sư Đoàn Thọ Sơn làm Chi hội phó. Năm 1996, Chi hội được kiện toàn, đề cử Võ sư Đoàn Thọ Sơn làm Chi hội trưởng và Võ sư Nguyễn Văn Đến làm Chi hội phó, một số võ sư khác làm ủy viên. Đây là Chi hội Võ cổ truyền đầu tiên và duy nhất của tỉnh Gia Lai được thành lập, trực thuộc Hội Võ cổ truyền tỉnh.
Thời kỳ này, môn Võ cổ truyền phát triển mạnh mẽ nhất với nhiều thế hệ võ sư tinh hoa, ưu tú, có uy tín và ảnh hưởng nhất định đối với làng võ thuật cả nước. Tiêu biểu có Võ sư Đoàn Thọ Sơn, năm 1993 được đề cử làm Phó Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai, thường xuyên được cử đi tập huấn và hội thảo phát triển Võ thuật cổ truyền. Năm 1998, ông đoạt huy chương vàng nội dung thi quyền thuật tại giải vô địch Võ cổ truyền toàn quốc. Năm 2001, Võ sư Đoàn Thọ Sơn cùng các võ sỹ Thái Văn Nhân, Thái Minh Quang,… đoạt huy chương bạc toàn quốc, được Ủy ban Thể dục Thể thao cử đi dự Festival thể thao thiện chí các nước thuộc khu vực sông Mê Kông tại Thái Lan. Cũng trong năm này, Ông được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cử đi dự Festival văn hóa thể thao thế giới tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đối với Võ sư Đoàn Thọ Sơn, không những góp phần phát triển môn Võ cổ truyền tại An Khê và Gia Lai, mà đóng góp lớn nhất của ông cho nền võ thuật nước nhà chính là bài võ “Độc lư thương”, bài võ do ba anh em nhà Tây Sơn biên soạn và rèn luyện cho tướng sĩ vào khoảng năm 1770 tại căn cứ địa Tây Sơn Thượng đạo. Bài võ này Ông thừa kế từ các vị tiền bối võ phái Tây Sơn. Năm 1997, bài võ này lần đầu tiên được Ông giới thiệu và thị phạm tại Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ V tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong số 20 bài Độc lư thương của 20 võ sư khác nhau trên toàn quốc đem ra trình diễn, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã thống nhất chọn bài “Độc lư thương” của Võ sư Đoàn Thọ Sơn là 1 trong hệ thống 10 bài quốc võ Việt Nam. Bài Độc lư thương có 3 phần, 166 động tác, thể hiện sự vững chắc liền lạc và kín đáo khi phòng thủ, cũng như thần tốc và bất ngờ khi tấn công, hài hòa hỗ trợ nhau giữa công và thủ. Người luyện Độc lư thương phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa tấn pháp, bộ pháp và thương pháp, phát huy hết lợi thế của cây thương. Năm 2001, bài võ này được Ông tiếp tục thị phạm và ghi hình lần 2 tại Khánh Hòa. Sau này, bài Độc lư thương của Võ sư Đoàn Thọ Sơn được đưa vào giáo trình giảng dạy và tập luyện trong cả nước cũng như ở nước ngoài; được phổ biến rộng rãi trong hệ thống các môn phái thuộc Võ cổ truyền Việt Nam, biểu diễn trong các kì thi lên đai, thăng cấp, liên hoan Võ thuật cổ truyền trong nước và quốc tế.

1.jpg

Chi hội Võ cổ truyền An Khê tham gia Festival thể thao thiện chí
các nước thuộc khu vực sông Mê Kông tại Thái Lan. Ảnh: Sưu tầm

 

Cũng trong những năm này, lực lượng võ sinh thuộc Chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê cũng phát triển hùng hậu, thi đấu các giải khu vực, quốc gia đạt nhiều giải cao, đem về trên 100 huy chương các loại, trong đó thi đấu các giải toàn quốc đạt 05 huy chương vàng, 10 huy chương bạc, 09 huy chương đồng. Một số võ sỹ có tên tuổi trong làng võ cả nước như: Nguyễn Thị Phúc (huy chương vàng năm 1996), Cao Đăng Khoa (3 huy chương bạc thi đấu đối kháng), Thái Văn Nhân, Thái Minh Quang (huy chương bạc toàn quốc), Châu Văn Thừa (huy chương vàng và bạc cả hai môn roi và quyền), các võ sỹ Châu Văn Đạo, Châu Văn Đào, Nguyễn Anh Phương, Đỗ Văn Sửu, Nguyễn Văn Hùng cùng biểu diễn bài quyền “Thất bộ” giành huy chương bạc toàn quốc. Ngoài ra, giai đoạn này cũng đã rèn luyện, đào tạo trưởng thành thế hệ hậu bối, trong đó cấp chuẩn võ sư có: Thái Văn Nhân, Cao Đăng Khoa và Lương Văn Hùng; cấp huấn luyện viên có Trần Khương Minh, Phan Hữu Phước, Hà Nhất Linh. Nhiều năm qua, An Khê luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu tỉnh Gia Lai về thành tích thi đấu bộ môn Võ cổ truyền.
Những năm gần đây, tuy không còn ở giai đoạn hoàng kim nhưng các thế hệ võ sư, võ sinh môn Võ cổ truyền thị xã vẫn tiếp tục duy trì, truyền bá tinh hoa võ thuật cổ truyền cho đội ngũ kế cận. Các câu lạc bộ vẫn đều đặn tổ chức các lớp dạy võ và mở rộng đối tượng, phổ biến đến các địa phương lân cận. Một số võ sư, võ sinh tâm huyết tại các câu lạc bộ kết hợp, thành lập thêm các đội “Lân - Sư - Rồng” phục vụ vào các dịp lễ, hội của thị xã, đồng thời tổ chức biểu diễn khắp các địa phương trong và ngoài thị xã. Hoạt động này vừa giúp các câu lạc bộ có thêm kinh phí hoạt động, vừa thu hút nhiều võ sinh đến với câu lạc bộ. Trung bình, mỗi câu lạc bộ có 20-40 võ sinh tập luyện thường xuyên và có thể tăng gấp đôi đến gấp ba vào dịp hè. Nội dung huấn luyện chung là các bài võ theo quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, gồm các bài quyền với mức độ từ cấp nhập môn đến cấp cao. Ngoài ra, các câu lạc bộ cũng tổ chức tập luyện những bài quyền đặc trưng riêng của môn phái “Tây Sơn Thượng đạo” như: Song Long phủ, Độc phủ, Thiết linh chùy,… Chính từ những câu lạc bộ này, nhiều vận động viên tài năng của thị xã đã được phát hiện, bồi dưỡng, đại diện cho địa phương tham gia các giải đấu cấp tỉnh, khu vực và đều đạt thành tích cao.

Năm 2018, thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với di tích lịch sử - văn hóa Tây Sơn Thượng Đạo giai đoạn 2017-2020, trong đó có nội dung duy trì và phát triển Võ thuật cổ truyền vùng Tây Sơn Thượng Đạo. Bắt đầu từ việc ngành văn hóa thị xã tham mưu kiện toàn Chi hội Võ thuật cổ truyền thị xã nhằm định hướng Chi hội tiếp tục giữ vững thành tích, phát huy những giá trị đặc sắc, riêng có của Võ thuật cổ truyền Tây Sơn Thượng Đạo. Phối hợp các ngành chức năng ưu tiên đưa bộ môn Võ cổ truyền vào giảng dạy tại một số trường học trên địa bàn thị xã, vừa giáo dục truyền thống, vừa góp phần nâng cao thể lực, trí lực cho học sinh, bước đầu phát huy hiệu quả. Ngoài ra, tăng cường đầu tư cho bộ môn Võ cổ truyền; có kế hoạch sưu tầm, gầy dựng đội Nhạc võ Tây Sơn; lưu truyền, phổ biến các bài võ đặc sắc của võ phái Tây Sơn Thượng Đạo,...
Võ cổ truyền Việt Nam nói chung không chỉ là một môn thể thao đơn thuần mà đã trở thành một bộ phận của nền văn hóa thể chất và là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc, Võ cổ truyền vùng Tây Sơn Thượng đạo ít nhiều cũng tạo được những giá trị riêng có của mình: sản sinh trên nền tảng lịch sử, văn hóa của vùng đất thiêng tụ nghĩa và vẫn tiếp tục hiện diện, song hành cùng đời sống võ thuật của dân tộc. Hy vọng, trong thời gian đến, với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các cơ quan quản lý, bộ môn Võ cổ truyền tiếp tục phát huy thế mạnh, đóng góp thêm thành tích trong lĩnh vực thể thao của thị xã và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử mà Võ cổ truyền mang lại trên đất Tây Sơn Thượng Đạo.

Thanh Hoàng tổng hợp

Quay lại