Loading...
contac3.png Liên hệ smartphone.png Mobile 16-16.png Site map

Lễ hội Tây Sơn-An Khê: Thiêng liêng, đậm đà bản sắc dân tộc

22/02/2018
(GLO)- Những ngày đầu xuân, tiết trời thị xã An Khê trở nên mát mẻ và dễ chịu hơn hẳn. Lòng người cũng rộn ràng trong không khí mùa Xuân. Trong sự phấn khởi, người người cùng nhau tụ họp về An Khê Trường (thuộc Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo) để hòa mình vào lễ kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2018) và Hội Cầu huê của người Việt vùng An Khê.

Ngày 19-2 (tức mùng 4 Tết Mậu Tuất), Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa và Hội Cầu huê của người Việt vùng An Khê. Tới dự lễ hội có các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo thị xã An Khê và đông đảo bà con nhân dân.
 
Hào khí Tây Sơn
 
Chiêng trống khai lễ tại Điện thờ An Khê Trường. Ảnh: Trần Dung
Chiêng trống khai lễ tại Điện thờ An Khê Trường. Ảnh: Trần Dung
 
 
Sáng mùng 4 Tết, An Khê Trường trở nên rộn ràng bởi dòng người đổ về đây để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của anh em nhà Tây Sơn, đặc biệt là Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ. Già, trẻ, gái, trai đều trang phục chỉnh tề để dự lễ hội.
 
Trong bộ áo dài khăn đóng, ông Lê Thái (tổ 16, phường An Phú, thị xã An Khê) bày tỏ: “Vào những ngày mùa Xuân đẹp nhất của năm, chúng tôi lại phấn khởi tập trung về đây để cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng cũng như các chiến công hiển hách của phong trào nông dân Tây Sơn mà đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược vào Tết Kỷ Dậu 1789. Hình ảnh Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ luôn được khắc ghi trong lòng những người dân vùng đất An Khê. Thế nên hàng năm chúng tôi về đây dâng những nén hương tưởng nhớ công ơn các vị anh hùng”. Không chỉ người dân thị xã An Khê mà đông đảo người dân đến từ các huyện trong tỉnh như: Kông Chro, Kbang, Đak Pơ, Chư Sê, Phú Thiện, TP. Pleiku… cũng về đây để được hòa mình trong hào khí của Tây Sơn Thượng đạo. “Đây là một trong những lễ hội lớn đầu Xuân của thị xã An Khê nói riêng và Gia Lai nói chung. Năm nào mùng 4 Tết tôi cũng chở các con đến đây cho các cháu xem hội, vui Xuân và để nhắc nhớ cho các con về truyền thống hào hùng của dân tộc”-anh Trần Văn Thiện (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) chia sẻ.
 
 Thành kính dâng hương trước Điện thờ. Ảnh: Trần Dung
Thành kính dâng hương trước Điện thờ. Ảnh: Trần Dung
 
 
Đúng 8 giờ, phần nghi lễ chính thức diễn ra. Trong không khí trang nghiêm, mọi người đã cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng và sự nghiệp vĩ đại của người anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, vị lãnh tụ kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Chỉ sau 40 ngày đêm vừa hành quân, vừa chiêu binh, huấn luyện binh sĩ và chiến đấu, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của Hoàng đế Quang Trung đã lập nên chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm, đánh tan 5 vạn quân Xiêm và hơn 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược. Với tấm lòng thành kính, cán bộ và đông đảo nhân dân đã tiến hành dâng hương, dâng hoa tại tượng đài vua Quang Trung, tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo vải.
 
Ngay sau đó, các đại biểu và nhân dân lần lượt dâng hương tưởng niệm Tam kiệt nhà Tây Sơn tại ngôi đình chính trong An Khê Trường. Buổi lễ được tiến hành đúng theo nghi thức truyền thống, tạo không khí thành kính thiêng liêng.
 
Vui Hội Cầu huê
 
Sau khi tiếng trống khai hội vang lên, hoạt cảnh tái hiện Lễ Chiêu binh khởi nghĩa Tây Sơn và biểu diễn nhạc võ Tây Sơn đã diễn ra trước sân An Khê Trường. Hàng ngàn người cũng đã kéo về đây để dự Hội Cầu huê-nét đặc sắc trong di sản văn hóa phi vật thể của người Việt vùng An Khê và tham gia phiên chợ Kinh-Thượng.  
 
Phiên chợ Kinh-Thượng.    Ảnh: T.D
Phiên chợ Kinh-Thượng. Ảnh: Trần Dung
 
 
Gắn liền với lễ cúng Quý Xuân của cư dân vùng đất An Khê là Hội Cầu huê độc đáo của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mua may bán đắt. Phần hát Cầu huê do đoàn tuồng Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) thể hiện đã thu hút đông đảo du khách thập phương. “Tôi nhớ rõ phần biểu diễn này của đoàn tuồng có tên là Châu Quan Liêu cùng với phần múa liễn, múa bông. Vì hồi nhỏ tôi được xem rồi nên mê lắm. Năm nay được con cháu chở tới đây, ký ức ngày xưa lại trở về trong lòng tôi. Lễ hội này thực sự rất ý nghĩa”-bà Nguyễn Thị Tước (86 tuổi, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) xúc động chia sẻ.    
 
Lễ hội cũng đã dành một không gian đặc biệt để họp chợ. Cả người Kinh lẫn người Bahnar và các dân tộc thiểu số khác cùng mang hàng hóa ra đây để trao đổi, mua bán, giao lưu, thể hiện rõ nét nhất tinh thần đoàn kết Kinh-Thượng. Chị Đinh Thơm (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) tươi cười nói: “Từ ngày có Hội Cầu huê, năm nào mình cũng cùng chồng con cũng tới đây để xem hội và tham gia các trò chơi dân gian cũng như trao đổi, mua bán tại phiên chợ Kinh-Thượng. Mình cảm thấy mọi người gần gũi với nhau lắm”. Phiên chợ có gần 50 gian hàng với nhiều mặt hàng như: thổ cẩm, các món ăn truyền thống của đồng bào Bahnar, cá sông, bánh trái… Chị Trương Thị Thúy (xã Thành An, thị xã An Khê), một người bán hàng trong phiên chợ, đon đả trò chuyện: “Mình tham gia chủ yếu để giao lưu và được hòa mình vào lễ hội cùng mọi người chứ không đặt nặng vấn đề mua bán. Tới đây mới thấy được không khí bán buôn của các bà, các chị ngày xưa như thế nào. Đúng là rất gần gũi và nhẹ nhàng”.
 
Bên cạnh các gian hàng, khách du xuân cũng được hòa mình trong âm vang cồng chiêng, các tiết mục biểu diễn múa lân, võ thuật ca ngợi tinh thần thượng võ, cảnh sắc, con người miền đất Tây Sơn Thượng đạo. Ngoài ra, nhiều trò chơi dân gian cũng diễn ra trong suốt lễ hội như đi cà kheo, đi cầu khỉ, đu quay, leo cột lấy quà Xuân…

Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê: “Với việc tổ chức lễ kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2018) và Hội Cầu huê của người Việt vùng An Khê, chúng tôi mong muốn tạo được một không gian du Xuân vui tươi, lành mạnh cho nhân dân An Khê nói riêng và du khách nói chung. Lễ hội năm nay kéo dài trong 2 ngày 19 và 20-2 (tức mùng 4 và mùng 5 Tết Mậu Tuất) với quy mô hoành tráng hơn hẳn mọi năm”. 

 
 
Theo Báo Gia Lai.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 585 Quang Trung - Thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: 
Chủ tịch UBND phường Tây Sơn
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT ngày 14/10/2013 của Sở Thông tin và Truyền thông
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tứcLiên hệ | Mobile | Site map icontop.png