CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 1 THÁNG 12/2022

02/12/2022
Tìm hiểu một số quy định của pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới
Câu 1. Anh/chị hãy cho biết đối tượng áp dụng của các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới ?
Theo Điều 2 của Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ  đã quy định rất rõ về đối tượng áp dụng của các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, cụ thể như sau:
- Trong đó, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài; hộ kinh doanh, hộ gia đình có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Cụ thể, các tổ chức quy định tại Điều này bao gồm:
+  Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
+ Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp;
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
+ Đơn vị sự nghiệp;
+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
+ Các tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, cơ quan, tổ chức thuộc Chính phủ nước ngoài, tổ chức phi Chính phủ được phép hoạt động tại Việt Nam;
+ Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
- Ngoài ra, đối tượng áp dụng của các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới còn có người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
- Và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính và thi hành các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định này.
Câu 2. Anh/chị hãy cho biết thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới được pháp luật quy định như thế nào?
Theo Điều 3 của Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ  đã quy định về thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới được pháp luật quy định, cụ thể như sau:
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới là một năm.
- Theo đó, đối với hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày đã thực hiện xong hành vi vi phạm đó.
- Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới đang được thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Câu 3. Hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới ?
Theo Điều 4 của Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ  đã quy định rõ về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, cụ thể như sau:
- Hình thức xử phạt chính:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc cải chính công khai thông tin sai sự thật;
+ Buộc xin lỗi công khai;
+ Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã bị xâm phạm;
+ Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý cho người bị xâm phạm trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần;
+ Buộc tiêu hủy tác phẩm, văn hóa phẩm, sản phẩm in, sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới, cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến phân biệt đối xử về giới;
+ Buộc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc đính chính tác phẩm, văn hóa phẩm, sản phẩm in, sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới, cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến phân biệt đối xử về giới;
+ Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, hương ước, quy ước của cộng đồng có sự phân biệt đối xử về giới;
+ Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định về tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh có sự phân biệt đối xử về giới;
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
+ Buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy phép, chứng chỉ, giấy đăng ký hoạt động đó.
Câu 4. Anh/chị hãy cho biết hiện này pháp luật quy định như thế nào về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức ?
Theo Điều 5 của Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ  đã quy định rõ về các mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, cụ thể như sau:
- Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30.000.000 đồng.
- Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tại Chương II Nghị định này được quy định áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
+ Trường hợp hộ gia đình, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính thì áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân;
+ Trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới thì áp dụng mức xử phạt theo quy định của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017