CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 3 THÁNG 9/2021

20/09/2021
Tìm hiểu một số quy định của pháp luật liên quan đến phòng cháy và chữa cháy
Câu 1. Theo quy định của pháp luật, khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện gì về an toàn về phòng cháy và chữa cháy?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi là Nghị định số 136/2020/NĐ-CP), Khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
- Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy nêu trên phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Câu 2. Vợ, chồng tôi mới xây dựng xưởng chế biến gỗ và đi vào hoạt động được hơn 1 tháng nay. Do khó khăn về nhà ở nên vợ, chồng tôi và các con cùng sinh sống tại xưởng kết hợp với chế biến gỗ và kinh doanh. Xin hỏi, gia đình tôi có phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy hay không? Pháp luật quy định cụ thể như thế nào?
Trả lời:
Hiện nay, vợ, chồng anh, chị và các con đang sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì hộ gia đình anh, chị phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
(i) Bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy (nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy);
(ii) Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
(iii) Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy nêu trên phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Câu 3. Anh X mới mua 01 xe ô tô 16 chỗ ngồi để trở khách tuyến Gia Lai – An Khê . Để bảo đảm an toàn cho xe và người cũng như hàng hóa, anh X muốn biết pháp luật quy định cụ thể như thế nào về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với xe ô tô 16 chỗ?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 04 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy. Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 09 chỗ ngồi, phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
(i) Có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
(ii) Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
(iii) Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
(iv) Có quy định, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Câu 4. Xin hỏi, theo quy định của pháp luật, ai có thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt? Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ có hiệu lực và giá trị như thế nào?
Trả lời:
Khoản 8 và khoản 9 Điều 9 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định như sau:
(i) Thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt:
- Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ cho phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc phương tiện hoạt động trên địa bàn được phân công, phân cấp quản lý về phòng cháy và chữa cháy;
- Công an cấp huyện cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ cho phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc phương tiện hoạt động trên địa bàn quản lý không thuộc thẩm quyền của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh và những trường hợp do Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh ủy quyền.
(ii) Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ có hiệu lực trên toàn quốc và có giá trị một lần đối với phương tiện có hợp đồng vận chuyển theo chuyến; có giá trị không quá 24 tháng đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo kế hoạch hoặc hợp đồng vận chuyển và không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện thủy nội địa), Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện giao thông đường sắt).
Câu 5. Xin hỏi, theo quy định của pháp luật, những trường hợp nào bị tạm đình chỉ hoạt động do không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì các trường hợp sau đây bị tạm đình chỉ hoạt động:
(i) Trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ xuất hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc khi đang có nguồn lửa, nguồn nhiệt mà xuất hiện môi trường nguy hiểm cháy, nổ (sau đây gọi là nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ);
(ii) Vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản mà không thực hiện, bao gồm: Tàng trữ, sử dụng trái phép hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép hoặc không đúng nơi quy định; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, ngăn cháy lan mà khi xảy ra cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản;
(iii) Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy:
Cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của cơ sở, hạng mục thuộc cơ sở, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định ảnh hưởng đến một trong các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b, điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP khi chưa có văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền;
Đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định vào hoạt động, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017