CHUYÊN MỤC

An Khê: Vì sao dân xâm lấn đất trồng rừng ?

17/07/2013
Nông dân các xã: Cửu An, Xuân An, Song An (thị xã An Khê) xâm chiếm hàng chục ha đất trồng rừng của các Ban quản lý rừng phòng hộ: Bắc An Khê và Ya Hội kéo dài nhiều năm qua là điều có thật. Giải quyết thực tế xâm chiếm đất trồng rừng như thế nào cho hợp lý khi sự việc hãy còn nhiều điều chưa được làm rõ chính là điều người dân quan tâm.
Trưởng phòng kinh tế thị xã An Khê-ông Mang Viên Tý khẳng định tình trạng nông dân các xã Cửu An, Xuân An xâm chiếm đất trồng rừng của các Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ya Hội đã diễn ra nhiều năm; song rầm rộ nhất là từ năm 2008 đến nay, vì cây bạch đàn của các ban quản lý rừng phòng hộ trồng trên đất khu vực xã Cửu An, Xuân An đã bước vào chu kỳ khai thác. Không chỉ người dân xã Cửu An, Xuân An mà dân của xã Song An cũng tận dụng cơ hội để xâm chiếm đất trồng rừng. Thống kê chưa đầy đủ từ đoàn kiểm tra của thị xã An Khê về việc lấn chiếm đất trồng rừng tại địa bàn các xã Song An, Cửu An, Xuân An, tổng diện tích đất trồng rừng bị lấn chiếm đến thời điểm này gần 49 ha. Cũng theo ông Tý, nguyên nhân dẫn đến việc nhân dân xã Cửu An, Xuân An xâm chiếm đất trồng rừng là vì thiếu đất sản xuất do chia tách hộ; một phần diện tích đất canh tác của nông dân bị mất do bị úng ngập nước công trình thủy điện An Khê-Ka Nak nhưng quan trọng hơn là nguyên gốc diện tích đất bị lấn chiếm đều thuộc phần đất các Ban quản lý rừng phòng hộ mượn của dân.

Theo hồ sơ lưu trữ của cơ quan chức năng thì ngày 10-11-1991, lãnh đạo Lâm trường Bắc An Khê (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê) có Công văn số 108/KH gửi UBND xã Cửu An cho phép Lâm trường tiến hành trồng rừng tập trung do Lâm trường trồng và trồng rừng phân tán do nhân dân xã trồng trên diện tích đất thuộc Lâm trường quản lý cùng những diện tích đất khác mà xã xét thấy làm nông nghiệp không có hiệu quả. Theo xác nhận của ông Đinh Trạm-một trong 3 lãnh đạo UBND xã Cửu An trực tiếp làm việc với lãnh đạo Lâm trường Bắc An Khê về kế hoạch trồng rừng vào năm 1991 thì thời điểm đó, lãnh đạo Lâm trường xin phép lãnh đạo UBND xã tổ chức cho nhân dân trồng cây lâm nghiệp trên đất có độ dốc 15 độ và đất nước nhỉ phèn không làm nông nghiệp được, tổng diện tích đưa  vào trồng rừng khoảng 500 ha được chia theo nhiều năm. Số diện tích đất trên là do UBND xã quản lý, còn nguồn gốc đất là do nông dân khai phá; trong đó có một số diện tích nông dân đã trồng mì thì lâm trường sẽ đền bù cho dân để lấy đất; đồng thời tiến hành trồng rừng vào năm 1992. Nghĩa vụ của lâm trường được xác định là sau khi cây lớn, cứ 10 cây, lâm trường sẽ hỗ trợ lại cho xã 2 cây và số tiền bán cây được nộp vào ngân sách xã. Tất cả nội dung trên được bàn, thống nhất và viết vào sổ tay của từng cá nhân tham gia buổi làm việc chứ không thể hiện thành văn bản lưu lại.

Có lẽ xuất phát từ cách nghĩ đất lâm trường đang sử dụng là của dân nên sau khi các loại cây lâm nghiệp trồng trên diện tích đất trên bước vào chu kỳ khai thác, 45 hộ dân xã Cửu An, Xuân An và 12 hộ dân xã Song An mở cuộc xâm chiếm đất để canh tác kéo dài nhiều năm qua. Theo phân tích của ông Tý, việc 12 hộ dân xã Song An cư trú cách xa khu vực rừng của các Ban quản lý rừng phòng hộ nhưng lại vào giữa rừng xâm chiếm đất là sai hoàn toàn. Đối với 45 hộ dân 2 xã Cửu An, Xuân An muốn lấy lại diện tích đất một cách hợp lý lẽ ra phải làm tờ trình xin lại đất gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; còn tự ý xâm chiếm đất như hiện nay cũng là sai với quy định. Từ cơ sở phân tích này, đoàn kiểm tra đã mời 45 hộ dân xã Cửu An, Xuân An đến gặp và giải thích sự đúng-sai của việc xâm chiếm đất trồng rừng nhưng chỉ có 13 hộ đến dự. Điểm phát sinh trong quá trình kiểm tra diện tích đất nhân dân các xã xâm chiếm, dẫn đến tranh chấp đất giữa nhân dân và các chủ rừng là đoàn kiểm tra nhận được đơn của 5 hộ dân 2 xã Cửu An và Xuân An khiếu nại lãnh đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê cấp đất cho một số lãnh đạo, nhân viên Ban Quản lý trồng cây nông nghiệp chứ không trồng rừng gây bức xúc trong dân. Sự việc phát sinh này nằm ngoài thẩm quyền của đoàn kiểm tra nên đoàn thống nhất kiến nghị UBND thị xã An Khê giao cơ quan Thanh tra thị xã tiếp nhận hồ sơ làm rõ những vấn đề khuất tất trong việc áp dụng các văn bản Nhà nước trong việc cấp đất cho một số cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê.

Việc xác định nguồn gốc đất của các Ban quản lý rừng phòng hộ và diện tích đất dân xâm chiếm là hết sức khó khăn. Do vậy, đoàn kiểm tra thống nhất đề nghị lãnh đạo UBND thị xã An khê ra quyết định không cho các hộ dân xã Cửu An và Xuân An tiếp tục sản xuất trên đất đang tranh chấp để chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời đề nghị UBND tỉnh thẩm tra diện tích đất UBND tỉnh cấp cho Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê. Từ đó thu hồi lại diện tích đất có độ dốc dưới 15 độ giao cho địa phương quản lý giải quyết cho các hộ thiếu đất sản xuất 2 xã Cửu An và Xuân An. Riêng 12 hộ dân xã Song An xâm chiếm trái phép hơn 11,6 ha đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội ngoài việc thu hồi đất thì căn cứ diện tích đất xâm chiếm để đưa ra mức xử phạt hành chính. Tuy nhiên, để giảm gánh nặng nộp phạt cho dân, đoàn kiểm tra đề nghị chủ rừng hỗ trợ cho dân tiền công đào lỗ trồng cây trên phần đất lấn chiếm vì phần việc này chủ rừng cũng phải thực hiện sau khi thu hồi đất; song chỉ có 5/12 hộ dân chấp thuận.
 
Báo Gia  Lai.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017