CHUYÊN MỤC

Ngành Công thương: Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội

02/02/2022
(GLO)- Năm 2021 khép lại với những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Đóng góp vào thành quả đó, ngành Công thương Gia Lai đã linh hoạt, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng
 
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công thương đã chủ động xây dựng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 18-1-2021 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển công nghiệp, thương mại, xuất-nhập khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra, đồng thời đảm bảo an toàn phòng-chống dịch Covid-19 trên lĩnh vực phụ trách.
 
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) thực hiện 24.800 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch, tăng 10,13% so với năm 2020), trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng ước đạt 195 tỷ đồng (đạt hơn 100% kế hoạch, tăng 12,03% so với năm trước); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt hơn 16.609 tỷ đồng (đạt 98,39% kế hoạch, tăng 10,29% so với năm 2020); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và điều hòa không khí ước đạt hơn 7.900 tỷ đồng (đạt 103,56% kế hoạch, tăng 9,84% so với năm trước); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt hơn 95 tỷ đồng (đạt 100,7% kế hoạch, tăng 3,94% so với năm 2020). Nhiều sản phẩm công nghiệp đạt mức tăng cao so với năm 2020 như điện, đường tinh chế, chè, tinh bột sắn, ván ép sợi công nghiệp, đá granite, chế biến sữa… Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì đây là mức tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng GRDP của tỉnh. 

Rau quả chế biến là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ảnh: P.V 
Trên lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 76.581 tỷ đồng, đạt 91,17% kế hoạch và tăng 5,97% so với năm trước. Trong đó, thương nghiệp ước đạt 64.253 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,9%; dịch vụ lưu trú ước đạt 92,19 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,12%; dịch vụ ăn uống ước đạt 6.659,85 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,7%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 11,56 tỷ đồng, chiếm 0,02%; hoạt động dịch vụ khác đạt 5.564,64 tỷ đồng, chiếm 7,27%. Ngoài ra, trong năm qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 610 triệu USD (đạt 100% kế hoạch, tăng 5,17% so với năm 2020). Trong đó, xuất khẩu chủ lực là cà phê, mủ cao su tăng cả về lượng và giá trị. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 915 triệu USD, đạt 963,16% kế hoạch, tăng 10,16 lần so với năm trước. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị phục vụ thi công các dự án năng lượng và nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
 
Để đạt được mức tăng trưởng trên, ngành Công thương đã tích cực tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng các quy hoạch, đề án, kế hoạch, đồng thời đề ra những giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại, xuất-nhập khẩu trên địa bàn trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp.
 
Tích cực hỗ trợ sản xuất kinh doanh
 
Năm 2021, bức tranh của ngành Công thương Gia Lai nổi lên nhiều điểm sáng trong thực hiện “mục tiêu kép”. Theo đó, Sở Công thương đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ dịch với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương). Sở đã chủ động liên kết các đơn vị phân phối trong và ngoài tỉnh, chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại chủ chốt chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cần thiết, tăng cường sản xuất, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực để điều phối, cung ứng ngay khi có yêu cầu; bổ sung số lượng hàng hóa dự trữ phòng-chống dịch hơn 10 ngàn tỷ đồng/tháng (tăng thêm 20% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết); chuẩn bị 14 loại hàng hóa dự trữ thiết yếu cho 15 ngày giãn cách xã hội theo 5 cấp độ dịch Covid-19. Trong đợt dịch thứ 4, các kế hoạch, phương án đã phát huy hiệu quả, bám sát tình hình thực tế, diễn biến dịch bệnh; đảm bảo hàng hóa trên thị trường dồi dào, đa dạng chủng loại, không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá.
 
Đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Sở Công thương đã nỗ lực phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Sở đã triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực công thương; phối hợp kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”; phối hợp với các sở, ngành, cơ quan nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh để kiến nghị, đề xuất tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ đăng ký danh sách tiêm vắc xin Covid-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu trong thời gian giãn cách xã hội. Việc tháo gỡ kịp thời các khó khăn, bảo đảm duy trì tốt hoạt động của doanh nghiệp không chỉ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế của tỉnh mà còn tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. 

Ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng khá so với năm trước. Ảnh: P.V 
Trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tỉnh cũng đã định hướng sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, trong năm qua, Sở đã tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng; trình UBND tỉnh xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương bổ sung 1 trạm biến áp 500 kV, 8 dự án điện gió, 4 dự án điện mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; điều chỉnh quy hoạch, giải pháp đấu nối 6 dự án; cập nhật danh mục các dự án năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) đã được đề xuất quy hoạch trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung vào Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, hỗ trợ, đôn đốc chủ đầu tư 16 dự án điện gió khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình để được công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Sau những hỗ trợ tích cực, nhiều nhà máy điện gió đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia đúng như kế hoạch trước ngày 31-10 và được hưởng giá bán điện 8,5 cents/kWh, tương đương 1.955 đồng/kWh trong vòng 20 năm. Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ, hướng dẫn các dự án đầu tư về lĩnh vực công nghiệp, nhất là các dự án thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện các đề án khuyến công nhằm góp phần hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất.
 
Đối với lĩnh vực thương mại, Sở Công thương đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, kết nối thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy; kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt nông sản của người dân. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai công tác phòng-chống dịch Covid-19, nhất là các siêu thị, chợ, doanh nghiệp thương mại chủ chốt.
 
Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, Sở đã tập trung hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản tồn đọng số lượng lớn. Đồng thời, chuyển trọng tâm từ xúc tiến truyền thống sang xúc tiến thương mại hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và chuyển từ xúc tiến thương mại trực tiếp sang xúc tiến thương mại trực tuyến. Trong các đợt dịch thứ 3, 4, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh và Sở Công thương các tỉnh, thành phố kết nối, hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh tiêu thụ nhiều sản phẩm nông nghiệp như: hoa, bí xanh, bơ, chanh dây, mía, gà… Ngoài ra, Sở còn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) hỗ trợ đẩy mạnh phân phối, tiêu thụ nông sản qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ quảng bá thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ cho 135/149 sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao trở lên trên các sàn thương mại điện tử.
 
Năm 2021 là một năm đầy biến động đối với sự phát triển kinh tế. Vượt qua những khó khăn, thử thách đó, ngành Công thương Gia Lai đã có những nỗ lực, góp phần tạo nên những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh có sự bứt phá trong thực hiện mục tiêu vừa phòng-chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
 
Thạc sĩ PHẠM VĂN BINH-Giám đốc Sở Công thương

 
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017