CHUYÊN MỤC

Biến di sản thành nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội

07/05/2022
(GLO)- Sáng 28-4, UBND tỉnh Gia Lai có buổi làm việc với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về khuyến nghị của UNESCO đối với di sản phi vật thể của nhân loại, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt và bảo vật quốc gia. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch và Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu-Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chủ trì buổi làm việc. Tham gia buổi làm việc còn có các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước. 
 
Nhiều hoạt động bảo vệ di sản
 
Tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Về di sản văn hóa vật thể, tỉnh Gia Lai hiện có 33 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng gồm: Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo (xếp hạng năm 2022 gồm 9 cụm di tích), 8 di tích quốc gia và 16 di tích cấp tỉnh; 1 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia là Phù điêu Phật Chămpa Tây Nguyên (công nhận năm 2017); 6 hiện vật, bộ hiện vật (với tổng số 14 hiện vật) đã được đăng ký cổ vật.
 
Về di sản văn hóa phi vật thể, từ năm 2011 đến nay, ngành đã kiểm kê 456 hồ sơ. Toàn tỉnh có 3 di sản được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (toàn tỉnh), Sử thi của người Bahnar (các huyện Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro), Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apuih (Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện); 23 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngọc 
Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa, từ năm 2015 đến nay, Gia Lai đã nhận được sự giúp đỡ quan trọng của các chuyên gia Nga và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) trong 2 hoạt động lớn là tổ chức khai quật khảo cổ tại thị xã An Khê và đọc, dịch văn bia Chămpa tại huyện Đak Pơ. Kết quả khai quật khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị và có niên đại khoảng 80 vạn năm, trong đó, bộ rìu tay là bằng chứng sinh động về văn hóa của cộng đồng cư dân sơ kỳ Đá cũ cách đây khoảng 80 vạn năm trên đất Gia Lai và cũng là mốc mở đầu của lịch sử Việt Nam.
 

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngọc 
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, di tích Rộc Tưng-Gò Đá đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh ngày 15-1-2018, sau đó được nâng hạng thành di tích quốc gia ngày 4-11-2020. Di tích này đã bổ sung tư liệu mới trong nghiên cứu về giai đoạn lịch sử xa xưa nhất của Việt Nam và góp phần thay đổi nhận thức về đời sống cư dân đầu tiên ở Việt Nam; những di tồn văn hóa khảo cổ kỹ nghệ An Khê thuộc di tích Rộc Tưng-Gò Đá bổ sung vào bản đồ sơ kỳ Đá cũ của thế giới và con đường hình thành văn hóa đầu tiên của nhân loại.
 
Đối với bia đá Chămpa phát hiện ở xã Tân An (huyện Đak Pơ), tỉnh đã mời chuyên gia EFEO đến đọc, dịch phục vụ công tác nghiên cứu. Nội dung văn bia này cho biết nó thuộc thời kỳ Vương quốc Champa thế kỷ̉ XV, giúp hiểu biết thêm về một giai đoạn lịch sử văn hóa của địa phương.

Các hiện vật khảo cổ học của di tích quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá được bảo quản tại Nhà trưng bày. Ảnh: Hoàng Ngọc 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Để giải quyết được vấn đề giữa bảo tồn và phát triển, đưa di sản trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh rất cần sự tham vấn của các thành viên hội đồng dưới góc độ nghiên cứu sâu và có nhiều kinh nghiệm.
 
Gắn bảo tồn với phát triển du lịch
 
Từ thực tế khảo sát tại Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, di tích quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê), các thành viên hội đồng đánh giá cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích của tỉnh Gia Lai. Tất cả cùng có chung quan điểm là tỉnh cần sớm lập quy hoạch bảo tồn đối với Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo và Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá. Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu cho biết, di sản được xác định là nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững. Thực tế khảo sát cho thấy, tỉnh Gia Lai đã xác định được mục tiêu này qua công tác đầu tư, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Xu hướng bảo tồn chung hiện nay là biến di sản thành tài sản, gắn với xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
 
Là người nghiên cứu về vùng đất An Khê từ khá sớm (năm 1977), Giáo sư-Tiến sĩ khoa học-Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang cho biết lần quay trở lại này ông cực kỳ ấn tượng với phát hiện khảo cổ về Đá cũ An Khê. Đây là một bất ngờ lớn với nhiều nhà khoa học. “Nhưng toàn chuyện đất đá thì có gì để hấp dẫn với du lịch. Nên chăng, cần tạo ra không gian để mọi người sống lại thời kỳ 80 vạn năm trước, làm sao trẻ con cũng thích, người lớn cũng thích. Ngoài ra, còn có sản phẩm văn hóa hấp dẫn, khai thác những câu chuyện li kỳ về phong trào nông dân Tây Sơn. Phải làm cho di sản thú vị, được nhiều người quan tâm thì mới nói đến chuyện biến nó thành tài nguyên khai thác du lịch, mới nói đến chuyện bảo tồn”-ông nói.
 
Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu-nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Ngọc
“Sống trong không khí tiền sử” là đóng góp của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Tống Trung Tín khi bàn về hướng phát huy di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá. Ông nhấn mạnh: “Tôi ủng hộ việc nâng cấp ngay lập tức tức di tích này lên di tích quốc gia đặc biệt. Tôi cũng rất bất ngờ bởi giá trị đặc biệt và vẻ đẹp của các hiện vật khảo cổ. Có thể chọn thành một tổ hợp, một sưu tập để làm công cụ, giáo cụ trực quan đưa ra giảng dạy cho học sinh, sinh viên, giúp lan tỏa các giá trị khảo cổ này mạnh mẽ hơn, đồng thời làm hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với một số hiện vật khảo cổ tiêu biểu”.
 
Ông Phan Thanh Hải-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Thừa Thiên-Huế cho rằng cần sớm có quy hoạch bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, có lộ trình và khoanh vùng cụ thể, xác định được vùng lõi của di tích. Ảnh: Hoàng Ngọc
Với kinh nghiệm gần 30 năm gắn bó với hoạt động bảo tồn ở vùng đất cố đô, ông Phan Thanh Hải-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế-chia sẻ: “Tôi cho rằng cần sớm có quy hoạch bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, có lộ trình và khoanh vùng cụ thể, xác định được vùng lõi của di tích.  Xa hơn, cần tạo ra sự kết nối giữa Tây Sơn Hạ đạo ở Bình Định và Tây Sơn Thượng đạo ở Gia Lai. Không gian của quần thể di tích quốc gia đặc biệt rất rộng nhưng lại rất sơ sài nên cần tái tạo môi trường sinh cảnh cho di tích. Tỉnh nên nghiên cứu trồng cây gì để hình dung 30-50 năm có những cổ thụ đại diện cho Gia Lai. Bởi không gian cảnh quan và không gian nghi lễ có mối quan hệ chặt chẽ thì mới tái hiện được không gian lịch sử”.
Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia trước đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt-thuộc Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Hoàng Ngọc
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc cho rằng: “Cần xác định Gia Lai là vùng đặc thù, không gian di sản rộng lớn, nhưng cũng có nguy cơ lớn. Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch và Cục Di sản cần hỗ trợ tỉnh Gia Lai đưa khoa học công nghệ vào công tác bảo vệ và phát huy di sản. Quá trình khai quật, quảng bá khảo cổ học nên đưa công nghệ số vào để phổ biến rộng rãi đến mọi người dân và ra toàn cầu”.
 
Với mong muốn phát huy các giá trị văn hóa trong phát triền kinh tế-xã hội bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định: Gia Lai cam kết với UNESCO thực hiện tốt công tác  bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tỉnh mong muốn Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa dành sự quan tâm để có một nghiên cứu đầy đủ về Tây Nguyên, nhất là nghiên cứu sâu về khảo cổ học An Khê, xác định rõ giá trị của hiện vật Đá cũ để đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
 
HOÀNG NGỌC
 
 

 
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017