CHUYÊN MỤC

Gia Lai: Bao giờ có Hội Sử học?

16/03/2021
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Gia Lai là địa phương có nhiều sự kiện nổi bật gắn liền với lịch sử đất nước. Đặc biệt, gần đây nhất, những phát hiện tại Di tích Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê) đã làm thay đổi góc nhìn của thế giới về lịch sử loài người. Dù là “mảnh đất” rất màu mỡ, lại được sự động viên từ nhiều phía nhưng Hội Sử học tỉnh vẫn chưa thể ra mắt.

Trao đổi với P.V, PGS-TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho biết: Gia Lai có nhiều TS, ThS, cử nhân chuyên ngành Sử học với không ít công trình nghiên cứu có giá trị. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều vấn đề lịch sử cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ. Do vậy, từ nhiều năm nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tác động để thành lập Hội Sử học tỉnh. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Nội vụ cũng tán đồng nhưng đến giờ vẫn chưa thể ra mắt.

 

Muốn làm được điều này, trước mắt cần thành lập ban vận động để đề nghị cấp có thẩm quyền thông qua vấn đề nhân sự, điều lệ trước khi tiến hành tổ chức đại hội. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề nhân sự vẫn là cái khó lớn nhất.

   

 Chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gặp gỡ nhân chứng lịch sử để sưu tầm tư liệu về Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Phương Duyên
Chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gặp gỡ nhân chứng lịch sử để sưu tầm tư liệu về Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Phương Duyên

 

Nói về sự cần thiết thành lập Hội Sử học tỉnh, Th.S Sử học Chu Thanh Dũng-Trưởng khoa Xã hội (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) nhận định: Gia Lai là địa phương có nhiều sự kiện nổi bật gắn liền với lịch sử đất nước như: chiến thắng Đak Pơ (kháng chiến chống Pháp), chiến thắng Plei Me (kháng chiến chống Mỹ)… Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Gia Lai là nơi tổ chức hoạt động nghi binh để từ đó tấn công vào Buôn Ma Thuột, làm bàn đạp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

“Có thể nói, Gia Lai từng là chiến trường cực kỳ ác liệt và có những trận đánh đi vào lịch sử, thậm chí thay đổi cục diện chiến trường. Tại tỉnh ta còn có nhiều di tích mang tầm quốc gia, quốc tế như quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo, Di tích Rộc Tưng-Gò Đá… Thực tế ấy đòi hỏi cần thành lập Hội Sử học”-ThS. Chu Thanh Dũng phân tích.

Thạc sĩ Chu Thanh Dũng cũng cho rằng: Hội Sử học sẽ góp phần giáo dục lịch sử cho con em tỉnh nhà. Ngoài ra, những tư liệu lịch sử mà các hội viên góp lại từ nhiều nguồn sưu tầm sẽ giúp ích cho các ngành, hội khác có nhu cầu muốn tìm kiếm, trao đổi tư liệu liên quan đến đơn vị mình. Thạc sĩ Chu Thanh Dũng mong mỏi sẽ có tạp chí chuyên ngành để đăng tải bài viết và công bố các công trình nghiên cứu của hội viên. Đây là một trong những kênh thông tin hữu hiệu giúp quảng bá du lịch văn hóa-lịch sử tỉnh nhà.

 

Thạc sĩ Sử học Chu Thanh Dũng-Trưởng khoa Xã hội (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai): Hội Sử học là tổ chức xã hội-nghề nghiệp của những người nghiên cứu, giảng dạy, yêu thích môn Lịch sử. Từ đó, những người tâm huyết sẽ có nơi sinh hoạt, trao đổi thông tin một cách chính thống với những chuyên gia có phương pháp, có năng lực, giúp làm sáng tỏ hơn nhiều câu chuyện, vấn đề về lịch sử, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy.
 

Đề cập những sự kiện lịch sử quan trọng cần sự vào cuộc của những người làm sử để tiếp tục nghiên cứu, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Vũ Ngọc Luyện liền nhắc đến chiến thắng Đak Pơ và chiến thắng Plei Me. Ông trăn trở: “Đây là 2 trận đánh lớn, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Phần lớn những người tham gia các trận đánh này đều đã qua đời. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải làm sao để giúp thế hệ sau thấy được ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của chúng. Bên cạnh đó, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vấn đề nổi lên là phòng-chống FULRO và phong trào bạo loạn đòi ly khai, thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê ga”, đây cũng là những nội dung cần được nghiên cứu kỹ lưỡng”.

 

Theo ông Luyện, việc thành lập Hội Sử học tỉnh là rất cần thiết. Nếu Hội ra mắt, có thể ông sẽ tham gia nhằm góp phần nhỏ bé trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua những câu chuyện, sự kiện lịch sử ý nghĩa trong tỉnh.

Trò chuyện xung quanh vấn đề này, TS. Sử học Nguyễn Thị Kim Vân băn khoăn: “Lập ra cho có cái tên thì dễ lắm nhưng lo nhất là duy trì, tổ chức hoạt động sao cho hiệu quả, phải thường xuyên có công trình nghiên cứu. Một khi đã ra mắt thì Hội Sử học phải có đóng góp thật sự cho tỉnh”.

 

Theo TS. Nguyễn Thị  Kim Vân, thuận lợi lớn nhất trong việc thành lập Hội là được nhiều phía ủng hộ. Theo bà, tên gọi Hội Khoa học Lịch sử thì phạm vi hoạt động sẽ rộng hơn rất nhiều, bao gồm các mảng như: Sử học, Khảo cổ học, Nhân học, Dân tộc học… vốn có liên quan chặt chẽ với nhau, bao quát nhiều nội dung căn cơ hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, sự cần thiết lập ra một điểm đến cho những người yêu Sử học đã rõ. Nhưng có lẽ vẫn cần thêm tâm huyết của các chuyên gia cũng như sự góp sức của lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Từ đó, nhiều tư liệu lịch sử sẽ được nghiên cứu sâu hơn, khẳng định và nâng tầm những giá trị văn hóa-lịch sử quý giá mà Gia Lai đang sở hữu.

 

PHƯƠNG DUYÊN - THEO BÁO GIA LAI

Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017