CHUYÊN MỤC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực

02/07/2022
(GLO)- Sáng 30-6, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chủ trì hội nghị.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh; Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị.

Kỷ luật hơn 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý

Báo cáo tại hội nghị do đồng chí Phan Đình Trạc trình bày nêu rõ: Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, sự nỗ lực của các cấp, ngành, Mặt trận, các đoàn thể, công tác PCTN, tiêu cực đã có bước đột phá, đạt nhiều kết quả rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kim Anh 
 
Trong 10 năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và PCTN, tiêu cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.478 nghị định, 545 quyết định và nhiều nghị quyết về quản lý kinh tế-xã hội, PCTN, tiêu cực. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành gần 100 ngàn văn bản để cụ thể hóa và triển khai công tác PCTN, tiêu cực. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã tích cực, chủ động tập trung kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm; lựa chọn lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề mà xã hội bức xúc để kiểm tra, giám sát. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra các tổ chức Đảng và đảng viên liên quan đến các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi. Từ ngày 1-7-2012 đến 31-3-2022, qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 2.741 tổ chức Đảng và 167.748 đảng viên. Trong đó, có 7.393 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương và cấp ủy có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 người là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua công tác thanh tra, ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi 461.513 tỷ đồng, 75.743,2 ha đất, kiến nghị xử lý 44.691 tập thể và cá nhân. Trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ và 33.868 bị can, qua đó đã truy tố 16.699 vụ với 33.037 bị can. Ban Chỉ đạo Trung ương đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi. Cùng với đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên. Nếu như giai đoạn trước, tỷ lệ thi hành án về tiền đối với các vụ án tham nhũng chỉ đạt dưới 10% thì giai đoạn 2012-2022, cơ quan thi hành án các cấp đã thu hồi được 60.940 tỷ đồng/175.608 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7%.

Không có vùng cấm, ngoại lệ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội nghị lần này không phải để kể thành tích mà hướng dẫn cấp cơ sở phải “bịt kín” lỗ hổng, chặn đứng những việc làm vi phạm đạo đức. Chúng ta phải truyền cảm hứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt; rút ra bài học, xây dựng cơ chế, bộ máy, con người để triển khai công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn sau bài bản, ăn khớp theo đúng trật tự, xử lý về mặt Đảng đến hành chính, nhà nước, sau đó là pháp luật, không để các hành vi suy thoái, hư hỏng tồn tại. Nhìn lại 10 năm qua, bằng sự nỗ lực của Đảng, sự góp sức của Mặt trận và các đoàn thể, công tác PCTN, tiêu cực đã đạt được những thành quả to lớn, tạo được niềm tin trong Nhân dân. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chưa bao giờ cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực được thực hiện bài bản, đạt kết quả cao, có sự đồng lòng, quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan tham mưu như giai đoạn 2012-2022, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chuyên trách về PCTN, tiêu cực và các cơ quan tố tụng. Tổng Bí thư cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác này, đó là một số cơ quan, đơn vị chưa quyết tâm; tỷ lệ thu hồi tài sản sau tham nhũng thấp; tự phát hiện tham nhũng ở cơ quan, đơn vị còn ít; các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng ngày càng xảo quyệt, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, Nhà nước ta.
 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hoàng 
 
Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rút ra 6 bài học về lý luận và thực tiễn cần được nghiên cứu để thực hiện tốt hơn công tác này. Theo Tổng Bí thư, cần xác định vị trí, tầm quan trọng của công tác này, PCTN phải đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng, nói đi đôi với làm. Người tham nhũng thường có chức, có quyền nên cần tự đấu tranh trong cơ quan, đơn vị mình. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm; mọi quyền lực đều được ràng buộc bằng trách nhiệm, cơ chế, “phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Phòng-chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến “giặc nội xâm”, chống sự ăn cắp, ăn cướp tài sản của công, vì vậy phải xây dựng cơ chế để răn đe. Tổng Bí thư cho rằng phải chủ động phòng ngừa và phát hiện tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; chủ động phát hiện là đột phá, có vụ việc phải xử lý hành vi tham nhũng và hành vi bao che. Phòng-chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cần mở rộng PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước và hợp tác quốc tế. Cùng với đó, tập trung kiểm soát quyền lực nhà nước, phát huy vai trò của các cơ quan PCTN, tiêu cực.

Nêu giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, hành động mạnh mẽ, tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên, chống tha hóa, biến chất; người đứng đầu phải liêm khiết, chính trực, trọng liêm sỉ và giản dị. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế xây dựng Đảng, quản lý xã hội “bịt kín” các lỗ hổng để không tồn tại sân sau, tư duy nhiệm kỳ. Tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý, làm tốt công tác thu hồi tài sản sau tham nhũng. Tập trung kiện toàn bộ máy cơ quan PCTN các cấp, phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan thực hiện nhiệm vụ này; công khai, minh bạch trong việc kê khai tài sản, tập trung cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sáng, liêm chính.

“Cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí là “chống giặc nội xâm”, không có hồi kết, không có vùng cấm, phát hiện đến đâu, xử lý đến đó, không có bao che, dung túng, phải làm bằng được để tạo niềm tin trong Nhân dân, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, đất nước phồn thịnh”-Tổng Bí thư nhấn mạnh.
 
 VĨNH HOÀNG
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017