CHUYÊN MỤC

Trận chiến đèo An Khê: Lời thú nhận cay đắng

02/05/2023
(GLO)- Tháng 4, nhớ về trận chiến đèo An Khê hơn nửa thế kỷ trước, là nhớ về những người đã không tiếc máu xương cho hòa bình, độc lập hôm nay.

TIN LIÊN QUAN Tôi vừa đưa Giáo sư-Tiến sĩ Ju Hung Shim (Trường Đại học Quốc gia Inchoen, Hàn Quốc) lên thăm Điểm cao 638 ở thôn Thượng An 2, xã Song An, thị xã An Khê. Đây là nơi từng diễn ra trận chiến cuối cùng của lực lượng Mãnh Hổ tại Việt Nam năm 1972, mà đến nay dư âm đau xót của nó vẫn còn được nhắc đến trong một bộ phận người Hàn Quốc.
Để giành một thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định, từ đó buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận những điều kiện có lợi cho Việt Nam ở Hội nghị Paris, Đảng ta chủ trương mở một cuộc tiến công chiến lược lớn trong năm 1972, trong đó có hướng Bắc Tây Nguyên. Tại Khu 5, từ cuối tháng 12-1971, phương án tiến công đã được chính thức thông qua.
Tài liệu lịch sử cho biết, đến đầu năm 1972, lực lượng địch ở chiến trường Khu 5 còn 307.000 tên (80.000 quân Mỹ, 40.000 quân Nam Triều Tiên và 187.000 quân Việt Nam Cộng hòa). Tuy còn đông, nhưng bộ binh Mỹ cơ bản đã chấm dứt vai trò chiến đấu. Tại Bắc Tây Nguyên, địch tập trung thành 3 cụm phòng thủ mạnh: Đak Tô-Tân Cảnh và 2 thị xã Kon Tum, Pleiku. Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên chủ trương cùng lúc hình thành 2 thế trận: đánh chia cắt quân địch giữa đồng bằng với Tây Nguyên, giữa Pleiku và Kon Tum; giữa Kon Tum với Đak Tô-Tân Cảnh, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, cắt rời thế trận, cô lập từng cụm quân địch.
Ngày 26-3-1972, Mặt trận Tây Nguyên nổ súng thì ngày 11-4, đường 19 hoàn toàn bị chia cắt. Trước đó, các tài liệu lịch sử cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quân khu 5 và Sư đoàn 3, Trung đoàn 12 đã tổ chức một cụm chốt chiến dịch tại phía Đông đèo An Khê. Đây là đoạn đường hiểm trở dài hơn chục cây số, ở phía Đông căn cứ An Khê (Gia Lai), cách khoảng 10 km và phía Tây quận lỵ Phú Phong (Bình Định), cách khoảng 20 km. Nhiệm vụ của Trung đoàn 12 là cắt đứt đường 19, phối hợp với chiến trường chính Tây Nguyên và kìm chân Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên, không cho chúng ứng cứu Bắc Bình Định. 

Tác giả bài viết và Giáo sư-Tiến sĩ Ju Hung Shim trên Điểm cao 638. 
Ảnh: An Thương 
 
Trận chiến ác liệt giữa quân và dân ta với lực lượng Đại Hàn bắt đầu từ ngày 11-4 đến đêm 24-4 đã giành được thắng lợi to lớn. Tài liệu lịch sử của Trung đoàn 12 cho biết, trong đợt cắt đường 19, chỉ với 2 tiểu đoàn bộ binh và một số đại đội hỏa lực mang vác, trong 18 ngày đêm, đơn vị đã diệt và làm bị thương hơn 720 tên, bắt sống 2 tên, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy và phá hủy hơn 80 xe quân sự, trong đó có xe tăng, xe bọc thép của địch.
Tất nhiên, trong trận chiến không cân sức này, phía ta cũng chịu nhiều tổn thất. Cả tài liệu của ta và địch đều mô tả, dưới mưa bom bão đạn, Điểm cao 638 đã chứng kiến tinh thần quả cảm của bộ đội qua các trận đánh giáp lá cà, những trận chiến đẫm máu, hy sinh đến tay súng cuối cùng... Đây là sự khác biệt, tạo nên chiến thắng của quân đội ta trước lực lượng Mãnh Hổ khét tiếng hung bạo và thiện chiến. Đây cũng chính là điểm nhấn mà các sách báo, tài liệu từ phía đối phương buộc phải nhắc đến, khi viết về trận chiến đèo An Khê năm 1972, như một thất bại thảm hại.
Theo Giáo sư Ju Hung Shim, các tài liệu liên quan đến trận chiến này đến nay vẫn chưa được chính quyền Hàn Quốc giải mật, công khai. Trong khi đó, một số báo cáo mang tính tô hồng chiến thắng hoặc né tránh sự thật thường được nhắc đến. Tuy vậy, ngày càng có nhiều tài liệu liên quan được công bố, không chỉ ở quê hương của những người lính đánh thuê Nam Triều Tiên.
Chúng tôi tìm hiểu thì được biết, 5 năm sau ngày bại trận, Trung tướng Việt Nam Cộng hòa Ngô Quang Trưởng xuất bản “Mùa hè đỏ lửa năm 1972” (The Easter Offensive of 1972) tại Mỹ. Trong cuốn sách dày gần 200 trang này, ở trang 80, tác giả đã nhắc đến sự kiện trên.
Năm 1990, cuốn sách nổi tiếng thế giới “Sự lừa dối hào nhoáng-John Paul Vann và nước Mỹ ở Vietnam” gồm 2 tập (ấn hành năm 1988) được dịch và xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam. Tác phẩm của Neil Sheehan cũng không quên đề cập tới trận chiến này ở trang 502. Tương tự như vậy, Trung tá Thomas P. McKenna-nguyên cố vấn quân sự Quân lực Việt Nam Cộng hòa, từng tham gia Chiến dịch Kon Tum khi đó đã dành phần thứ 7 cuốn “Kontum: The Battle to Save South Vietnam” (2011) để viết về cái mà ông gọi là “Attacking in An Khe Pass”/“Trận tấn công ở Đèo An Khê”.
Cũng từ Mỹ, năm 2020, học giả người Hàn Hosub Shim có bài viết công phu dài 36 trang về trận chiến đang bàn, đăng trên Tạp chí Quốc tế về lịch sử quân sự và sử học quốc tế (Anh). Theo người viết, trận chiến đèo An Khê năm 1972 là một “chiến thắng không đáng vì đã mất mát quá nhiều”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng nhận thấy, trận chiến đèo An Khê năm 1972 thu hút đông đảo báo chí ngoại quốc đương thời. Ngay khi trận đánh chưa kết thúc, Hãng tin Reuters đã có phóng sự cho thấy sự khốc liệt của chiến sự. Tháng 11-1972, The New York Times đăng bài của nhà báo Craig R. Whitney, xem đây là trận chiến quy ước lớn nhất của quân Đại Hàn tại Việt Nam.
Bên cạnh nhiều thông tin từ các cựu binh từng tham chiến tại An Khê đăng trên các trang mạng xã hội, trận đánh ở đèo An Khê cũng đã đi vào văn học nghệ thuật Hàn Quốc từ trước 1975. Không phải tất cả chúng đều mang màu sắc “chiến thắng” tuyên truyền mà còn là sự đớn đau, thảm bại. Điều này toát lên ngay từ tên những tác phẩm ấy, kiểu như: Ankheui Nunmul/Tears of An Khe (Nước mắt An Khê) hoặc Kasumul Toolko Gan Jeoktan, Kunbokeun Bulgeun Pie Mulduleodo/Enemy Bullet Pierced the Chest, the Uniform was Blood-drenched (Đạn thù xuyên ngực, đồng phục đẫm máu)… Ngoài sách báo, trận chiến đèo An Khê còn trở thành tác phẩm điện ảnh. Được thành lập năm 1973, trang điện tử của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc-đơn vị thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đến nay vẫn còn đang đăng lời giới thiệu tác phẩm Ankeui yeongungdeuk/Heroes Of Anke (Anh hùng An Khê)…
Một bộ phận người Hàn Quốc hơn nửa thế kỷ qua vẫn chưa thể quên được An Khê. Cho mãi đến gần đây, Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia KBS vẫn nhắc đến trận đánh này trong phóng sự “Những người lính không bao giờ trở về” phát sóng ngày 28-9-2003. Trong khi đó, năm 2014, bình luận về cái chết của các binh sĩ đánh thuê Mãnh Hổ, Giáo sư Park Tae Gyun từ Đại học Quốc gia Seoul lật lại vấn đề trong một bài báo có tiêu đề “Tiền có quan trọng hơn mạng sống của những người lính không?”.
Nhìn chung, phần lớn các bài viết, công trình nghiên cứu, tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật từ Anh, Mỹ hoặc Hàn Quốc mà chúng tôi tham khảo được đều cho thấy trận chiến đèo An Khê hồi tháng 4-1972 là một ám ảnh suốt nhiều chục năm đối với những người trong cuộc và thân nhân của họ. Bên cạnh việc kể lại những mất mát, tiếc nuối, hờn oán chiến tranh, dù là trực tiếp hay gián tiếp, họ đều thừa nhận tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trận chiến đèo An Khê đã trở thành một phần quan trọng trong giáo trình dạy ở các trường quân sự cấp cao của Hàn Quốc. Năm ngoái, trong chuyến công tác đến Trường Cao đẳng Jeonju Kijeon, tôi đã chuyện trò và được Giáo sư Ill Sue Lee cho biết: Trước đây, ông từng làm việc trong một học viện quân sự nên hiểu khá rõ về trận đèo An Khê, dù ông chưa từng đến Việt Nam. Theo ông, đó là một sự khiếp đảm không chỉ đối với những người lính từng tham chiến, mà còn là nỗi sợ hãi đối với cả những người nghe và biết về nó.
Quả thật, chiến công của quân và dân ta trên đèo An Khê đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, không chỉ vào thời điểm đó mà hàng chục năm sau, trận đánh vẫn còn được nhiều người Hàn Quốc có lương tri nhắc lại, thậm chí xem đây như một thất bại lớn của quân đội họ trong chiến tranh Việt Nam, hơn thế, còn là một sự nhục nhã. Sự chỉ trích róng riết cho đến mãi gần đây vẫn còn khá nhiều, như Giáo sư Ju Hung Shim đã tâm sự với tôi suốt thời gian điền dã ở An Khê. Trong nỗi niềm chung của những người thuộc thế hệ sau, chúng tôi đã bàn với nhau và thống nhất: Giờ đây, khi quan hệ 2 nước đã thay đổi theo hướng tích cực, đôi bên hãy cùng nhau làm một điều gì đó hữu ích vì cái chung. Có thể đó là một lễ cầu siêu cho tất cả những linh hồn đã mất; có thể là rà phá bom mìn, mở tour du lịch lên Điểm cao 638-nơi binh sĩ Đại Hàn dựng bia về trận chiến và người An Khê đã giữ lại nên đến nay vẫn còn đó.

NGUYỄN QUANG TUỆ
https://baogialai.com.vn/tran-chien-deo-an-khe-loi-thu-nhan-cay-dang-post235755.html
 
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017