CHUYÊN MỤC

Chuyện ít biết về Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây

11/07/2022
(GLO)- Trên đất nước ta, Anh hùng Ngô Mây được nhiều người biết. Khó có thể thống kê hết số trường học, đường phố, đơn vị hành chính… mang tên người anh hùng hy sinh năm 1947 tại An Khê này. 75 năm trôi qua, ánh chớp Ngô Mây vẫn hiển hiện trên từng trang sách, trong trí nhớ của nhiều thế hệ người Việt yêu nước.

Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”

Năm 1946, khi Pháp tái chiếm Tây Nguyên, Gia Lai đứng trước một tình thế gian nan. Theo tài liệu lịch sử, ngày 21-6, binh sĩ Pháp đồng loạt tấn công vào các mặt trận Buôn Hồ (Đak Lak), Mook Đen (huyện Đức Cơ); ngày 24-6, các tuyến phòng ngự Pleiku, Mang Yang, An Khê và Cheo Reo bị địch chọc thủng; ngày 25-6, quân Pháp chiếm thị xã Pleiku. Từ Pleiku, Pháp đánh lên Kon Tum, tiến xuống An Khê. Ngày 27-6-1946, quân Pháp chiếm thị trấn An Khê.

Trước thế tấn công dồn dập của địch, các cơ quan tỉnh Gia Lai chuyển xuống Phú Phong, tỉnh Bình Định.

Đêm 19-12-1946, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.

Đầu năm 1947, trên chiến trường Gia Lai, lực lượng vũ trang được tổ chức lại. Tháng 2-1947, ta quyết định mở chiến dịch tấn công trên toàn mặt trận An Khê. Ngày 14-3-1947, Trung đoàn Vi Dân đánh đồn Tú Thủy dẫu chưa thành công nhưng đã gieo nỗi khiếp đảm cho giặc Pháp. Ngày 28-7-1947, ta thành lập Ban Chỉ huy Tây Nguyên. Cuối năm 1947, tại An Khê, Đại đội Quyết tử 51A thuộc Trung đoàn 94 đánh trận Rộc Dứa, Suối Vối (nay thuộc tổ 1, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) với hành động cảm tử của chiến sĩ Ngô Mây. 

Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây tại thị trấn Ngô Mây
 (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ 
 
Gia nhập cảm tử quân

Hai vị lãnh đạo trực tiếp của Ngô Mây là Chính trị viên Đoàn Sự (Thiếu tướng Đoàn Y Thanh, sách Một đời quân ngũ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010) và Đại đội trưởng Quách Tử Hấp (sách Lên đàng-Hành trình vạn dặm, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2012) cho biết: Được thành lập vào khoảng cuối năm 1946 đầu năm 1947, Đại đội Quyết tử thuộc biên chế Trung đoàn 94 của tỉnh Bình Định. Đến tháng 3-1947, Đại đội có 165 cán bộ, chiến sĩ. Vũ khí ban đầu của bộ đội chủ yếu là mã tấu, giáo mác, chỉ khoảng 1/4 quân số được trang bị súng lấy được của quân Pháp, Nhật gồm 12 súng trường, 1 trung liên cùng với một số lựu đạn. Đại đội có 4-5 chiến sĩ ôm bom cảm tử, trong đó có Ngô Mây.

Sinh ra và lớn lên ở làng Vân Triêm (nay là thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), Ngô Mây lớn lên trong vất vả nhưng cao to và mạnh mẽ. Vào quân đội, Ngô Mây được giao giữ 1 quả bom. Trên đường ra thao trường, về nhà, đi học chính trị… anh đều nâng niu vũ khí của mình.

Tiếng bom Ngô Mây

Vẫn theo lời kể của các tác giả Đoàn Y Thanh và Quách Tử Hấp: Một ngày cuối năm 1947, sau khi trinh sát, Đại đội Quyết tử tổ chức phục kích tại khu vực Rộc Dứa, Suối Vối, chiếm lĩnh trận địa trước 3 giờ sáng để sương xuống xóa dấu vết. Khoảng 8 giờ sáng, 4 chiếc GMC chở lính Âu Phi từ hướng An Khê chạy đến. Qua khúc cua nhỏ, thấy cầu bị cháy sém, xe địch chạy chậm lại (do sương nhiều, quân ta đã đốt nhưng cầu không sập hẳn). Một tên địch đứng lên hô to, đại ý: Chú ý, cầu sập và ra hiệu cho đoàn xe dừng lại. Bọn lính trên xe vừa đứng lên, xe chưa dừng hẳn thì quân ta nổ súng. Khẩu trung liên bắn chặn đầu, 3 tổ súng trường cũng đồng loạt nhả đạn. Bộ phận xung phong của Đại đội bắt đầu vượt qua một bãi cỏ tranh trống khoảng gần 80 m.


Bia Ngô Mây là 1 trong nhiều tấm bia hiện được lưu giữ tại
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Nguyễn Văn Hùng 
 
Trong khi đó, lính Âu Phi trên các xe bắt đầu nhảy xuống mặt đường phản kích. Chúng bắn chặn phía trước mặt lực lượng ta, đồng thời đánh vòng sang từ bên sườn trái. Bộ phận bảo vệ sườn bên trái của ta bị một trung đội địch đánh bật. Đúng lúc này, khẩu trung liên bị hóc đạn sau khi bắn được 2 loạt, khoảng 12 viên. Chiến sĩ Lưỡng bình tĩnh sửa súng, bắn thêm một loạt độ 5-6 viên nữa thì vũ khí lại bị hỏng. Các súng trường đều đã bắn hết viên đạn thứ 5-viên cuối cùng.

Không còn hỏa lực yểm trợ, bộ phận xung phong của ta buộc phải dừng lại. Một số chiến sĩ bị thương; bộ đội ta ném lựu đạn từ khoảng cách gần 60 m nên không trúng đích. Thời cơ xung phong đã qua. Chỉ huy đơn vị quyết định lui quân về mé rừng phía sau, cách độ 300-400 m.

Sau chừng 5 phút, một xe AM (Auto-Mitrailleuse) dừng giữa trận địa. Tiếng súng im dần. Trinh sát ta leo lên cây quan sát thấy chiếc bọc thép mới đến đậu giữa 4 chiếc GMC, mỗi xe cách nhau khoảng 10-15 m. Địch đứng lố nhố khá đông quanh xe AM. Tên chỉ huy cao to, đứng trên chiếc AM, quát lớn, đại ý: Việt Minh đâu?

Trong tích tắc, cùng với tiếng hô to “Việt Minh đây” là một tiếng nổ vang rền: Từ bụi rậm, Ngô Mây đã ôm bom lao vào xe giặc. Địch hỗn loạn tháo chạy sang phía bên kia đường. Bộ đội ta xung phong và làm chủ chiến trường.

Trận địa còn lại nhiều vết máu, những mảnh áo quần, dày dép, mũ của lính Pháp, 2 chiếc lốp xe bị vỡ, nhiều mảnh thép của chiếc thiết giáp và vũng dầu xe thấm đen mặt đất, nhiều đùm ruột mắc trên cành cây và một số mảnh thịt, xương tay, chân địch… Khoảng 1 trung đội giặc đã bị tiêu diệt.

Đại đội tìm không thấy thi thể chiến sĩ Ngô Mây. Chiếc khăn quàng đỏ của người liệt sĩ can trường bị thủng, rách nhiều chỗ bay vướng trên một bụi cây.

Tượng đài giữa lòng dân tộc

Năm 1955, Ngô Mây được truy phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1987, thị trấn Phù Cát đã được đổi tên thành thị trấn Ngô Mây. Năm 1992, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Cát Chánh (nay là Nghĩa trang liệt sĩ Chánh-Tiến) có ngôi mộ gió của ông. Khoảng năm 2000, Trường THCS Ngô Mây ở thị trấn Ngô Mây đã dựng tượng và định kỳ tổ chức lễ giỗ người anh hùng này.

Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây
(thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ 
 
Năm 2017, trên diện tích đất hơn 2 ha, Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây được xây dựng tại thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát. Trước đó, năm 2015, tỉnh Bình Định đã tiến hành mở rộng công viên và nâng cấp tượng đài Ngô Mây tại trung tâm thị trấn mang tên ông.

Tại Gia Lai, năm 1997, huyện An Khê xây dựng nhà bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây khiêm nhường bên cạnh chiến địa Rộc Dứa, Suối Vối xưa.

Ngô Mây từ lâu đã thành tên trường học, tên đường phố và đơn vị hành chính cấp xã ở An Khê. Tương tự như vậy, danh từ Ngô Mây đã được dùng để đặt tên cho các con đường tại Ayun Pa, Chư Sê, Đak Đoa, Đức Cơ, Chư Păh, Kbang, Kông Chro và Pleiku.

Một chi tiết còn ít người biết là từ rất sớm, bia Ngô Mây đã được dựng ở tỉnh Quảng Trị. Bà Phạm Thị Phượng-nhân viên quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) cho biết: Ngày 28-4-1958, Đài Anh hùng được khởi công xây dựng tại khu vực nay là Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Ngày 27-7-1958, công trình khánh thành, có sự chứng kiến của Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tôn Đức Thắng. Thời điểm đó, bia Ngô Mây và 7 tấm bia khác được đặt trong khuôn viên Đài Anh hùng. Khi xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, 8 tấm bia đá nói trên tiếp tục được bảo quản tại đây. Bia Ngô Mây luôn nhận được sự quan tâm của những người thăm viếng.

Đôi lời tạm kết

Trong cuộc đời này, không có gì quan trọng hơn mạng sống con người. Khi một người đã quyết hy sinh cả mạng sống của mình cho một lý tưởng thì đó là sự lựa chọn đặc biệt. Bởi, nếu không có niềm tin sắt đá, sự tin tưởng tuyệt đối vào những gì tốt đẹp sẽ xảy ra sau khi mình rời bỏ cuộc đời, con người ấy đã không thể hành động một cách dứt khoát, quyết liệt đến như vậy. Với Ngô Mây, trước khi hiến dâng cuộc sống của mình cho cách mạng, người thanh niên chất phác ấy chắc chắn có niềm tin không thể gì lay chuyển vào chiến thắng cuối cùng của đơn vị, quê hương, dân tộc mình.

Câu chuyện về sự hy sinh can trường của liệt sĩ Ngô Mây ngay từ buổi ban đầu cho đến tận hôm nay đã và mãi là sự lan truyền cảm hứng bất tận. Ngô Mây đã trở thành một hình ảnh, một tính cách, một phẩm chất phi thường, là từ ngữ chính xác nhất để chỉ những con người, tập thể có hành động dũng cảm, dám sống và hy sinh khi Tổ quốc cần.

Trong các cuộc kháng chiến vừa qua, Ngô Mây là một giá trị mang tính biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chính người chiến sĩ với ánh chớp không bao giờ tắt trên đất An Khê ấy đã góp phần khẳng định trước mọi kẻ thù: Đất nước này tuy bé nhỏ, nhưng mỗi người dân đều có thể hóa thành một Ngô Mây, sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để cùng nhau giành lấy nền độc lập, tự do lâu bền của dân tộc.

75 năm đã trôi qua nhưng tấm gương hy sinh lẫm liệt của Anh hùng Ngô Mây là mạch nguồn quan trọng hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn yêu nước, gắn bó với quê hương, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của mỗi người dân Việt Nam.
 
 NGUYỄN QUANG TUỆ
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017