CHUYÊN MỤC

Hồn gốm Cửu An

10/02/2022
(GLO)- Dẫu nghề làm gốm không thật sự phổ biến ở đất Cửu An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), song nơi đây vẫn có những lò gốm vang danh tứ xứ. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sản phẩm gốm và gạch ngói Cửu An đã được bán khắp vùng. Ngày nay, lò gốm xưa mờ phai vết dấu nhưng những chiếc chum, viên ngói rêu cũ mang đậm hồn cốt quê hương vẫn khiến nhiều người rưng rưng mỗi khi nhắc về.

Chuyện xóm Lò Gốm
 
Một sớm cuối thu mưa giăng lất phất, tôi trở lại xã Cửu An để tìm gặp ông Nguyễn Sanh-hậu duệ của chủ lò gốm lâu đời nhất trên vùng đất Tây Sơn Nhì. Tại phòng khách, ông Nguyễn Sanh chăm chú dõi theo chương trình trên ti vi. Say sưa đến độ tôi phải chào tới vài lần, ông mới giật mình quay lại. Không quá bất ngờ vì đã có lời hẹn trước, ông Sanh chỉ cười giải thích: “Phim nói về tinh hoa gốm Việt. Hay quá! Tôi xem mà thấy nhớ xóm Lò Gốm ngày xưa”.
 
Nhớ cũng phải thôi, bởi nghề gốm đã gắn bó với gia đình ông Sanh qua nhiều thế hệ và từng mang đến sự hưng thịnh cho cả vùng quê nghèo suốt mấy mươi năm. Cuối thế kỷ XIX, ông Nguyễn Ảnh (cha vợ ông Sanh) đã quyết định lập nghiệp cùng gốm. Bằng việc xây dựng lò gốm đầu tiên tại An Điền Nam, ông Ảnh được xem là người mở đường cho nghề gốm phát triển ở Cửu An nói riêng và toàn vùng An Khê nói chung lúc bấy giờ. 
 
Ông Sanh chậm rãi kể: Trên khu đất rộng chừng 2 ha, cha vợ tôi dựng lên 3 cái lò. Chúng có hình dạng giống hệt chiếc mai rùa, được đắp hoàn toàn bằng đất sét pha cát lên cốt gạch nhằm giúp giữ nhiệt tốt. Chiều dài khoảng 4 m, ngang 3 m, còn cửa vào lò thì trổ tầm 1 m. Để đảm bảo hoạt động, lò cần 10-15 nhân công. Đất sét khai thác lên được đem đi ủ nước rồi giao cho đám trai tráng giậm bằng chân cho thật nhuyễn. Sau đó, người thợ sẽ dùng dây kẽm chuyên dụng cắt đất thành những phần nhỏ để chuẩn bị cho công đoạn đóng gạch, ngói hoặc tạo hình vật dụng.  

Ông Nguyễn Sanh nâng niu những “cổ vật” của gia đình-nơi chất chứa tình yêu nghề của người
thợ gốm và cả hồn cốt, tinh hoa của miền quê Cửu An nghèo khó một thời. Ảnh: Hồng Thi 
Cũng theo ông Sanh, lúc bấy giờ, lò chỉ sản xuất gạch thẻ (đặc ruột, không có lỗ) và ngói vảy (hình dáng như vảy cá). Riêng những vật dụng như chum, nồi, niêu, ấm, chén... đều được nặn thủ công trên bàn xoay; thành phẩm đẹp hay xấu quyết định ở đôi tay khéo léo của người thợ gốm. 
 
“Sản phẩm sau khi tạo hình xong sẽ được mang đi phơi cho khô một cách cẩn thận để tránh sứt mẻ, biến dạng rồi mới đem nung. Việc sắp xếp sản phẩm vào lò nung cũng cần tuân thủ nguyên tắc: đứng-nằm-chéo-ngang để đảm bảo ngọn lửa có thể luồn được từ đáy lên đến đỉnh lò. Lò không được tắt lửa trong suốt 3-5 ngày đêm. Khó nhất là canh nhiệt độ lò sao cho đạt khoảng 1.600 độ C thì sản phẩm mới chín đều. Nhiệt độ cao quá, sản phẩm sẽ bị dẻo, dính cục mà thấp quá thì bị sống, kém chất lượng. Tất cả chỉ bằng mắt thường nên phải dựa vào kinh nghiệm mới làm được. Cứ tầm 1-2 tháng, mỗi lò sẽ cung cấp khoảng 20 thiên gạch và 10-12 thiên ngói; riêng đồ gốm gia đình chỉ sản xuất theo nhu cầu đặt hàng”-ông Sanh cho biết. 
 
Ở Cửu An còn có một lò gốm nổi tiếng khác của gia đình ông Phan Gia. Ông Gia cũng được cha vợ ở Bình Định truyền nghề làm gốm và mang nó lên phát triển trên đất Tây Sơn Nhì. Tôi may mắn được gặp gỡ và chuyện trò với 2 người thân của ông Gia là ông Bùi Thế Xuân (em họ) và bà Phan Thị Xuân (cháu ngoại), hiện đang sinh sống tại thôn An Điền Nam. Nhâm nhi ly trà nóng, ông Xuân ôn lại chuyện xưa: “Cậu tôi tên Nguyễn Bá, hành nghề gốm khi tôi mới lên 7-8 tuổi. Lò gốm của cậu khi đó nổi tiếng khắp xứ Đồng Phó (tỉnh Bình Định). Cậu chỉ có 1 người con gái nên sau này đã truyền nghề cho con rể Phan Gia với mong muốn anh chị tôi có cái mưu sinh, cũng là để giữ gìn nghề gốm của gia đình”.

Ông Bùi Thế Xuân và bà Phan Thị Xuân (người thân của ông Phan Gia)
nhắc nhớ nghề làm gốm một thời hưng thịnh của gia đình. Ảnh: Hồng Thi 
Ngồi cạnh bên, bà Xuân tiếp lời: “Nghe mẹ tôi kể lại, ông ngoại đã khảo sát và tìm thấy nguồn đất sét tốt ở khu vực Ông Én cách trung tâm xã Cửu An ngày nay khoảng 7 km về phía Tây Nam để mở lò gốm. Đất sét ở đây khá mịn, vì thế, ngoài các sản phẩm gốm đã phổ biến trong vùng từ trước, lò của ông bà tôi còn sản xuất thêm bọng giếng và muỗng đường. Mỗi lần thành phẩm ra lò, tư thương vào ra nườm nượp, rộn vui cả xóm”.
 
Cũng bởi sự thịnh vượng của các lò gốm lúc bấy giờ mà khu vực này được nhiều người đặt tên là xóm Lò Gốm. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sản phẩm gốm và gạch, ngói Cửu An được bán khắp vùng An Khê cũ, mang lại cuộc sống no đủ cho không ít hộ dân. Không chỉ thế, các đình, miếu, vạn... ở địa phương cũng chủ yếu được lợp bằng ngói vảy làm từ các lò gốm của Cửu An, có nơi còn lưu giữ đến tận ngày nay.
 
Chỉ còn vang bóng
 
Một thời hưng thịnh là thế, song đứng trước nhiều tác động của thời cuộc, nghề làm gốm ở Cửu An dần thất truyền. Ông Nguyễn Sanh chạnh lòng bộc bạch: “Tháng 6-1956, tôi lập gia đình rồi cùng làm lò gốm với cha mẹ vợ. Từ chỗ chưa biết gì, dưới sự hướng dẫn của cha, tôi trở thành thợ lành nghề. Đến năm 1964, cha để lại cơ ngơi đó cho vợ chồng tôi, song vì nhiều nguyên nhân, chúng tôi không thể tiếp tục theo nghề lâu dài. Năm 1974, tôi dỡ bỏ lò gốm, san ủi thành 3 mảnh ruộng để sản xuất lúa. Cũng buồn lắm, nhưng chẳng thể khác hơn”. 
 
Có lẽ vì sự nuối tiếc đó mà năm 1991, ông Sanh quyết định mở lại lò gạch, ngói của gia đình tại khu vực đập Mãi (thuộc thôn An Điền Nam bây giờ). Anh Nguyễn Công Thành (con trai thứ của ông Sanh) cho hay: Thời điểm ấy, trong vùng cũng có 1 lò gạch của Hợp tác xã Cửu An 1 và khoảng 3 lò gạch tư nhân. Chúng tôi chuyên cung cấp các loại gạch ống (6 lỗ), gạch cù, cổ áo và ngói hình chữ nhật. Trung bình mỗi tháng, khoảng 50 ngàn viên gạch thành phẩm ra lò. Trừ in khuôn, tất cả các khâu còn lại cũng đều làm thủ công. Riêng ngói sẽ mất nhiều thời gian gia công nên sản xuất được ít hơn. Mở lò được 3 năm thì gia đình tôi không làm nữa, phần vì thiếu nhân công, phần do gạch ngói từ Bình Định tràn lên An Khê nên cạnh tranh không nổi. Khoảng năm 1997, cả vùng hầu như chẳng còn ai làm nghề này nữa. 

Nhà thờ thần của vạn An Điền Nam (xã Cửu An) được lợp bằng ngói vảy
làm từ các lò gốm ngày trước ở Cửu An. Ảnh: Hồng Thi 
Tôi đã cố gắng kiếm tìm vết tích của lò gốm xưa trên đất Cửu An nhưng không thể. Tất cả giờ đã được san ủi để sản xuất hoặc xây dựng công trình mới. Thời gian trôi qua, những vật chứng về một thời vàng son của nghề gốm Cửu An cũng dần mất dấu; chỉ còn lại những mái ngói ở đình, vạn... hay vài chiếc chum đất, viên gạch thẻ đã hư hỏng, bám rêu. Dẫn tôi ra cánh đồng phía sau nhà, anh Thành chỉ tay về phía 3 mảnh ruộng đã gặt lúa chỉ còn trơ gốc rạ rồi bảo, nơi ấy chính là khu vực lò gốm cũ của ông ngoại mình cách đây hơn 1 thế kỷ. Dẫu không còn dấu tích, song với gia đình anh, đó là cả một niềm tự hào mỗi lần nhắc nhớ. 
 
Còn cha anh-ông Nguyễn Sanh-thỉnh thoảng lại đem những chiếc chum, vại cũ hiếm hoi từ góc bếp ra lau chùi, nâng niu như thể để thỏa lòng nhung nhớ. Có cái đã thủng, cái phủ rêu phong nhưng đều được gia đình ông gìn giữ cẩn thận, coi như “cổ vật” gia truyền. Ông luôn tâm niệm rằng, “dẫu chẳng thể so bì được với đồ gốm hiện đại ngày nay, song trong chúng chất chứa tình yêu nghề của người thợ gốm và cả hồn cốt, tinh hoa của miền quê Cửu An nghèo khó một thời”. Đó cũng là điều mà ông Sanh mong muốn thế hệ trẻ xã nhà hôm nay nên tìm hiểu, trân trọng.
 
HỒNG THI
THEO BAOGIALAI.COM.VN
https://baogialai.com.vn/channel/742/202202/hon-gom-cuu-an-5766042/index.htm?gidzl=l0XIQwsSYmg_7bPjgeQF2xaTKc-sW8zTynLME-JRYmpr4bHavus90lT4Kslbsei2fHLKCJ4XhEnHh9MB3W

 
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017