CHUYÊN MỤC

Thiêng liêng nguồn cội

10/04/2022
(GLO)- Lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân nước Việt, ai cũng tự hào và xúc cảm thiêng liêng khi nhớ về nguồn cội, tổ tiên, khi mình là con cháu Vua Hùng. Đây là tâm thức tự nhiên, đặc sắc trong tín ngưỡng văn hóa của dân tộc. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là người sáng lập Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống con cháu Vua Hùng, quân và dân ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần làm rạng danh non sông đất nước, để chưa bao giờ đất nước ta, dân tộc ta có cơ đồ, sự nghiệp, vị thế, tầm vóc, uy tín to lớn như ngày hôm nay-theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
 
Hướng về cội nguồn

Ai trong chúng ta mà không biết truyền thuyết đặc sắc về: Con Rồng cháu Tiên, An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Mỵ Châu-Trọng Thủy, Bánh chưng bánh giầy, Trầu Cau, Tiên Dung-Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Mai An Tiêm... Dẫu không tự ý thức nhưng cùng với thời gian, mỗi người sinh ra, lớn lên, trưởng thành đều được tắm tưới trong mạch nguồn văn hóa, trong những câu chuyện cổ, làn điệu dân ca sâu xa và độc đáo ấy, ẩn tàng trong phong tục tập quán, trong cuộc sống mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng và lớn hơn là trong tình dân tộc nghĩa đồng bào. Từ nhận thức sức mạnh cội nguồn dân tộc, truyền thống vẻ vang, hiển hách các thế hệ con cháu Vua Hùng nối đời dựng nước và giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
 

Lãnh đạo Báo Gia Lai cùng lãnh đạo các báo trồng cây lưu niệm
 tại Vườn cây lưu niệm Quốc gia Đền Hùng. Ảnh: Nguyễn Tú 
Năm nay tròn 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dịp này, Ban Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, Trung tâm Liên văn hóa, khoa học truyền thông quốc tế phối hợp tổ chức chương trình Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên hệ thống truyền thông của Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu (https://www.facebook.com/quoctovuaHung King Global, Truyền hình HiTV-Truyền hình Cáp Hà Nội, Future Now (có thành viên trên 178 quốc gia và vùng lãnh thổ), kết nối trực tuyến đến các quốc gia vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Chương trình nhằm tạo dựng một ngày văn hóa chung kết nối người Việt Nam trên toàn cầu và bạn bè quốc tế, xây dựng cây cầu văn hóa hữu nghị vững chắc, tình bạn chân thành giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt không chỉ với cộng đồng người Việt ở nước ngoài mà còn với bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam. Nội dung gồm 3 phần gắn với 3 chủ đề: “Biết ơn tổ tiên”, “Về cùng người Việt” và “Vinh danh con cháu Vua Hùng”, chương trình kết nối với đại biểu Việt kiều và bạn bè quốc tế ở 42 quốc gia. Sự kiện thêm một lần khẳng định giá trị của một di sản, thêm một lần mỗi người dân Việt tự hào, nâng cao ý thức phấn đấu để xứng đáng là con cháu Vua Hùng, góp phần xây dựng “đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

 

Hàng năm, tỉnh Phú Thọ đều tổ chức Giỗ Tổ nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc,
khẳng định vị trí và ý nghĩa to lớn của ngày Quốc Tổ. Ảnh nguồn internet 
Tuy nhiên, do dịch bệnh phức tạp nên sự kiện Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 tập trung vào phần lễ (diễn ra trong 2 ngày mùng 6 và mùng 10 tháng 3 Âm lịch) bao gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ và Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Hưởng ứng với đề xuất của tỉnh Phú Thọ, ngày 24-3-2022, UBND tỉnh Gia Lai có công văn giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai, Báo Gia Lai, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tuyên truyền các hoạt động trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022; đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích các gia đình có hoạt động trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc trong ngày 10 tháng 3 Âm lịch, cùng hướng về cội nguồn dân tộc và cảm nhận đầy đủ không khí linh thiêng nơi đất Tổ Vua Hùng.

Tiếp tục giáo dục giá trị di sản

Tự hào là con cháu Vua Hùng, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai đã không ngừng phát huy truyền thống hào hùng, ra sức bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trải bao biến thiên thăng trầm lịch sử, từ đấu tranh chế ngự thiên nhiên đến chống ngoại xâm, rồi cần cù dựng xây, đổi mới, hội nhập và phát triển, Gia Lai đều để lại những dấu ấn đậm nét, thể hiện là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, nhiều tiềm năng thế mạnh, năng động trong phát triển kinh tế, đổi mới đi lên từng ngày. Thành tựu đó có được là do công sức đóng góp của biết bao thế hệ. Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đó càng phát huy cao độ, kết tinh thành sức mạnh và nội lực không gì có thể so sánh.

Với việc toàn tỉnh có 44/54 dân tộc anh em trong cả nước đang sinh sống, Gia Lai thực sự là nơi “đất lành chim đậu”. Không chỉ những người con đến đây từ vùng đất Tổ, nhiều năm qua, các dân tộc anh em trên dải đất cao nguyên này đều ra sức xây dựng làm đẹp giàu nơi quê mới, lòng hướng về đất Tổ quê cha.

Người dân tham quan Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy 
Nhiều năm về trước, Công ty Gia Lai CTC có ý tưởng xây dựng Đền Hùng tại công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku) với mục đích địa phương có một nơi thờ cúng, tưởng niệm Vua Hùng cũng như giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ. Ý tưởng đó nhanh chóng được hiện thực và giờ đây Đền Hùng tại công viên Đồng Xanh ngoài một hạng mục công trình của công viên, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, tìm hiểu của du khách thì còn là nơi để đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham quan, tưởng niệm Vua Hùng mỗi dịp 10 tháng 3 Âm lịch. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh hàng năm dựa trên văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa hoạt động tưởng nhớ Vua Hùng phù hợp với tình hình đặc điểm của mình. Tinh thần chung là thiết thực, phù hợp, ý nghĩa, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong cán bộ, đảng viên, quân và dân về ngày Quốc Tổ, tiếp thêm năng lượng, sự hứng khởi sau khi trở lại công tác, học tập, làm việc. Và chủ trương tổ chức mâm cơm gia đình tưởng nhớ dâng lên tổ tiên thực sự là ý tưởng lý thú, qua đó giáo dục truyền thống “Con Rồng cháu Tiên”, lòng yêu quê hương đất nước, thắt chặt hơn tình cảm gia đình, những giá trị cốt lõi trong truyền thống người Việt, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ tác động nhiều mặt đến đời sống con người, có xu hướng làm cho các thành viên trong gia đình rời xa nhau nhiều hơn.

Có năm, dịp này trùng với ngày lễ lớn 30-4 nên có thêm nhiều ngày nghỉ đối với những người hưởng lương Nhà nước. Thêm thời gian, họ có điều kiện thăm quê, du lịch, sum họp gia đình, gắn kết tình thân, phát huy đầy đủ giá trị của những ngày nghỉ lễ. Giỗ Tổ vào đầu tháng 3 Âm lịch cũng là thời điểm của tiết Thanh minh. Vì vậy, nhiều nơi còn cùng nhau đi tảo mộ, viếng người đã khuất, bái vọng những “oan hồn uổng tử”, mong được phù hộ an lành, khỏe mạnh. Đây là truyền thống hiếu thuận, nhân văn cao cả của dân tộc ta. Nhiều nơi góp tiền làm cỗ cúng trang trọng, sau đó liên hoan chung vui, gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, sau những ngày bận rộn, vất vả lo toan. Mấy ngày qua, nhiều nơi đã kết hợp Giỗ Tổ với cúng Thanh minh. Hai năm nay, do dịch Covid-19 nên có xóm/tổ dân phố không tổ chức hoặc tổ chức “rút gọn” ít người tham gia để phòng-chống dịch. Khu vực bùng binh Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku), những năm trước cúng Thanh minh rồi liên hoan người đông, ngồi kín đến 6-7 bàn, nhưng năm nay thì chỉ 2 bàn. Đặc biệt, trong lời khấn của mình, chủ lễ không quên cầu mong ơn trên gia hộ để đại dịch qua mau, nhịp sống trở lại bình thường, bà con yên ổn làm ăn.

Nhấn mạnh đến ý nghĩa giáo dục của ngày Quốc lễ, ông Tống Thới Mốc-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-cho rằng, UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự đánh giá cao của Tổ chức Văn hóa, Giáo dục Liên hợp quốc về một di sản của dân tộc cũng là mong mỏi, nguyện vọng tôn vinh chính đáng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Tuy nhiên, trên thực tế, một số người hiểu chưa đầy đủ ngày lễ trọng này để có cách tưởng nhớ nghiêm trang, phù hợp, như một cách tự giáo dục và khắc ghi công lao của tiền nhân. Điều đó cho thấy có phần trách nhiệm tuyên truyền của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Tự thân mỗi người rất cần nâng cao nhận thức hiểu biết về ngày Quốc Tổ để ứng xử đúng đắn, bên cạnh các hoạt động hướng về tổ tiên, gia đình, cộng đồng. Đó cũng là cách tiếp thêm nguồn năng lượng để khi trở lại công tác, học tập, làm việc đạt năng suất và chất lượng cao hơn.
 
THẤT SƠN
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017