CHUYÊN MỤC

Thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa

10/07/2018
Việc cưới, việc tang vốn là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, phản ánh phong tục tập quán, lối sống, phong cách ứng xử của cộng đồng, của từng dân tộc, địa phương, vùng miền. Những năm gần đây, đời sống xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống kinh tế, tinh thần của nhân dân được cải thiện; việc tổ chức lễ cưới, lễ tang nói chung có nhiều tiến bộ, phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương.
 

Phần lớn, các đám cưới được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm, chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương và hoàn cảnh mỗi gia đình. Việc đăng ký kết hôn được thực hiện đúng pháp luật. Nghi thức cưới theo phong tục cổ truyền được rút gọn, gồm 3 thủ tục cơ bản: chạm ngõ, ăn hỏi và tổ chức hôn lễ. Giảm thiểu tình trạng tổ chức đám cưới linh đình, kéo dài nhiều ngày; không nặng về đòi hỏi lễ vật; thực hiện tốt việc tổ chức tiệc cưới “Không mời thuốc lá”; phần lớn các lễ cưới được tổ chức tại nhà hàng, không còn diễn ra hiện tượng lấn chiếm lòng đường; một số xã, phường tạo điều kiện cho các hộ gia đình mượn nhà văn hóa, khu thể thao hoặc các mặt bằng công cộng để tổ chức đám cưới; trường hợp tảo hôn có xảy ra nhưng giảm nhiều so với trước, tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, làng đồng bào dân tộc.
 Việc tang được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, loại bỏ dần các tập tục lạc hậu như hạn chế để thi hài quá lâu trong nhà để đảm bảo vệ sinh môi trường; cơ bản giảm việc rắc tiền thật, vàng mã trên đường đưa tang; cử nhạc tang với âm lượng vừa phải, đảm bảo thời gian theo quy định; hạn chế tối đa việc tổ chức ăn uống cỗ bàn trong trang lễ; các tuần tiết sau đám tang đã giảm hoặc tổ chức gọn nhẹ trong nội bộ gia đình. Nhiều địa phương có Ban tang lễ, Hội lâm chung do Ban công tác mặt trận, Hội Người cao tuổi đảm trách việc tổ chức hậu sự; xây dựng quỹ tang chế, mua sắm các vật dụng phục vụ tang lễ; người qua đời có hoàn cảnh neo đơn đều được chính quyền, các đoàn thể và họ tộc giúp đỡ, hỗ trợ mai táng chu đáo. Đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, không còn tập tục lạc hậu như chôn cùng mồ, biểu hiện thương tiếc người mất thái quá như trước; lễ bỏ mả được tổ chức gọn nhẹ trong phạm vi từ tối hôm trước cho đến sáng ngày hôm sau, không tổ chức ăn uống linh đình tại nhà mả. Thị xã đã thực hiện việc quy hoạch đất các nghĩa trang, nghĩa địa và vận động nhân dân chôn cất người mất đúng nơi quy định; không còn tình trạng chôn cất trên đất sản xuất, khuôn viên vườn, lô bãi gần nhà, khu dân cư gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường sống và tâm lý, sức khỏe của nhân dân; phần mộ hầu hết đều được xây cất quy củ, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ngoài việc chấp hành theo quy định của pháp luật, việc tổ chức việc cưới, việc tang cũng được điều chỉnh trong hương ước, quy ước của từng thôn, làng, tổ dân phố với các quy định cụ thể nhằm hướng dẫn, điều chỉnh các quy tắc xử sự trong việc cưới, việc tang trên địa bàn.
Thống kê cho thấy, trong năm 2017, trên địa bàn thị xã An Khê có 689 đám cưới, 327 đám tang, đa số các đám cưới, đám tang đều được tổ chức văn minh, tiết kiệm.
Tuy nhiên, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn thị xã vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Việc cưới hỏi vẫn còn cầu kỳ trong việc chọn ngày, chọn tuổi; một số ít đám cưới tổ chức linh đình, mời đông khách; tình trạng cưới không đăng ký kết hôn, vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình vẫn còn xảy ra; hương ước, quy ước thôn, làng, tổ dân phố tuy có khuyến khích việc tổ chức lễ cưới hỏi theo nếp sống mới với hình thức tiệc trà, báo hỷ thay cho tổ chức tiệc mặn nhưng do tâm lý và thói quen của người dân, hình thức này chưa được hưởng ứng. Đối với việc tang, ở một số nơi quy định việc mai táng trong vòng 48 giờ đồng hồ vẫn chưa được thực hiện triệt để do tập tục coi ngày giờ, kiêng kỵ, chọn ngày tốt, giờ tốt, chờ người thân ở xa về; một số gia đình có điều kiện tổ chức đám tang phô trương, xây dựng mộ to, hoành tráng gây lãng phí tiền của, đất đai và tạo tiền lệ xấu. Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức rõ việc tổ chức nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới là việc làm tích cực, giảm thiểu phiền hà, tốn kém mà còn quan niệm “phú quý sinh lễ nghĩa”, lợi dụng việc cưới, việc tang để trả ơn, trả nghĩa hoặc phô trương thanh thế của gia đình.
Từ thực tế trên, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Văn bản số 1324/VP-KGVX ngày 16/5/2018 của UBND tỉnh về tiếp tục triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 13/BCĐ ngày 29/5/2018 của Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Gia Lai về việc đề nghị tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thị xã đã ban hành Văn bản số 04/BCĐ ngày 08/6/2018; theo đó, chỉ đạo Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các xã, phường tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn thị xã, cụ thể:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Văn bản số 1324/VP-KGVX ngày 16/5/2018 của UBND tỉnh về tiếp tục triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 13/BCĐ ngày 29/5/2018 của Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Gia Lai về việc đề nghị tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh.
2. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức cưới hỏi, tang lễ văn minh, tiết kiệm. Bên cạnh đó chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, trật tự an toàn xã hội.
3. Quán triệt đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống phô trương, hình thức, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, gắn với việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống.
4. Bổ sung các nội dung về việc cưới, việc tang vào hương ước, quy ước của thôn, làng, tổ dân phố.
5. Nêu gương các mô hình tốt, cách làm hay; phê phán những hành vi, biểu hiện tiêu cực trái với thuần phong mỹ tục trong việc cưới, việc tang và trong một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng còn tồn tại trên địa bàn.
Đồng thời, tổ chức thực hiện Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Gia Lai sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định.
Xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta; là một trong những yếu tố cần thiết để tiếp tục xây dựng và phát huy “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; đồng thời là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là trách nhiệm của cả cộng đồng và xã hội.

Thanh Hoàng
 
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017