CHUYÊN MỤC

Về tấm bia Anh hùng Ngô Mây ở Quảng Trị

15/07/2022
(GLO)- Báo Gia Lai số ra ngày 7-7-2022 có bài “Chuyện ít biết về Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây”. Ngay sau đó, một số độc giả hỏi tôi về nội dung tấm bia Anh hùng Ngô Mây dựng ở tỉnh Quảng Trị năm 1958. Bài này bước đầu cung cấp thông tin liên quan để bạn đọc cùng chia sẻ về một gương hy sinh anh dũng vô song của nước ta buổi đầu kháng Pháp, ngay trên đất Gia Lai.


Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), nơi tấm bia Anh hùng Ngô Mây đang được lưu giữ tại. Ảnh: Nguyễn Văn Hùng 
 
Cuối năm 1947, rời căn cứ Xóm Ké (An Khê), Đại đội Quyết tử 51A thuộc Trung đoàn 94 (Bình Định) đã tổ chức trận phục kích Rộc Dứa, Suối Vối (nay thuộc tổ 1, phường Ngô Mây, thị xã An Khê). Tại đây, chiến sĩ trẻ Ngô Mây đã xung phong ôm bom lao vào đội hình địch, tiêu diệt khoảng 1 trung đội giặc cùng nhiều phương tiện chiến tranh. Bằng hành động quả cảm này, Ngô Mây đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1955.

Năm 1954 là một cái mốc có nhiều ý nghĩa. Từ đây, 2 miền Nam và Bắc của nước ta bị chia cắt ở vĩ tuyến 17-sông Bến Hải. Vào thời điểm cây cầu Hiền Lương bị ngăn đôi ấy, rất nhiều đơn vị quân đội ở miền Nam lên đường tập kết ra Bắc. Đơn vị mà cảm tử quân Ngô Mây từng là chiến sĩ cũng nằm trong số đó. May mắn là sau cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài hơn 20 năm, một số đồng đội của Anh hùng Ngô Mây còn sống và đã kể lại nhiều câu chuyện liên quan.

Cố Đại tá Quách Tử Hấp-nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận 579-chính là Đại đội trưởng Đại đội Quyết tử của Ngô Mây năm 1947. Trong cuốn sách nhỏ “Cây chùm ruột” (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2003), ông kể rằng: Thực hiện sự chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, năm 1958, Nhà nước ta đã cho dựng một số bia đá (cao khoảng 1,5 m, rộng 1 m, dày 0,2 m) ghi chiến công của các Anh hùng Quân đội tiêu biểu, trong đó có Ngô Mây. Vị trí đặt bia là một ngọn đồi ở phía Bắc, cách cầu Hiền Lương 3 km, dọc quốc lộ 1A. Theo tác giả, đây là biểu tượng Nam-Bắc một nhà, đoàn kết đấu tranh giải phóng đất nước. Khi khánh thành các bia đá này, từ Hà Nội, cụ Tôn Đức Thắng đã vào dự. Người viết sách thông tin thêm, trong giai đoạn chiến tranh, các tấm bia bị bom đạn Mỹ tàn phá thường xuyên, khiến chúng trầy xước, sứt mẻ nhiều. Tuy vậy, “chữ khắc trên bia Ngô Mây còn khá đầy đủ và rõ nét nhất, và là bia ít bị vết đạn nhất”.

Từ thông tin trên, tôi đã liên hệ với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị. Theo đó, cuối tháng 4-1958, Đài Anh hùng tỉnh Quảng Trị được khởi công tại khu vực nay là Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Đến cuối tháng 7 cùng năm, công trình được khánh thành. Bia Ngô Mây và 7 tấm bia khác được đặt trong khuôn viên Đài Anh hùng kể trên. Sau đó, khi Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh được xây dựng, các bia đá này tiếp tục được bảo quản tại đây. Bà Phạm Thị Phượng-nhân viên quản trang ở Hồ Xá, Vĩnh Linh-cho biết, theo những người đi trước, các bia này đều được tạc từ đá núi Nhồi (Thanh Hóa).

Để tìm hiểu nội dung bia Ngô Mây, tôi đã nhờ người quen ở Vĩnh Linh đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện chụp ảnh nhiều lần. Đúng là so với các bia khác, bia Ngô Mây còn nguyên vẹn nhất. Tuy nhiên, do bom đạn chiến tranh nên một số chỗ trên mặt bia đã bị phá hủy. Tôi đã hướng dẫn người chụp lau sạch mặt bia và dùng phấn trắng tỉ mỉ tô lại từng nét chữ trên đá để có thể đọc được qua ảnh.

Nội dung được khắc chìm trên một mặt bia bằng chữ in hoa, không dấu. Để tiện đọc, tôi đã suy đoán, thêm dấu cho văn bản. Ở những chỗ không thể đọc được vì mất chữ, người viết thêm dấu 3 chấm và đặt trong ngoặc đơn. Toàn bộ văn bia hiện còn như sau (người viết chuyển sang chữ in thường):

“Liệt sĩ Ngô Mây
Anh hùng Quân đội
Huân chương Quân công hạng nhì
Huy chương Chiến thắng hạng nhất
Chiến sĩ quyết tử quân ôm bom diệt giặc.

 

Bia Anh hùng Ngô Mây sau khi tô phấn để nét chữ được rõ hơn. Ảnh: Nguyễn Văn Hùng 
Liệt sĩ Ngô Mây sinh năm 1924 ở tỉnh Bình Định, Liên khu 5, thành phần bần nông. Năm 1947 quê hương bị uy hiếp, xóm làng bị địch đốt phá liên tiếp và cảnh chết chóc diễn ra hàng ngày, nhân dân uất ức căm thù. Đồng chí Ngô Mây từ biệt mẹ già và vợ chưa cưới kiên quyết lên đường diệt giặc.

Ngày 20-4-1947 đồng chí Ngô Mây đã trở thành 1 chiến sĩ trong Trung đội Quyết tử, ngày ngày ra sức luyện tập ôm (…) không nghỉ. Có lần cán bộ khuyên nghỉ nhưng đồng chí trả lời: “Phải luyện tập thông thạo mới diệt được địch. Nghĩ đến đồng bào đau khổ tôi không an tâm”.

Tháng 10-1947 đơn vị (…) chuẩn bị lên đường (…) và cần 1 chiến sĩ ôm bom diệt địch. Những cánh tay rắn chắc kiên quyết (…) lên trong đó có Ngô Mây. Đêm hôm ấy đồng chí Ngô Mây thao thức không ngủ, ngồi (…) Ban Chỉ huy xin dành cho mình vinh dự (…)

Đồng chí Ngô Mây giữ quả bom Ban Chỉ huy trao cho hết sức cẩn thận, đi ăn cơm cũng mang theo, gặp trời mưa cởi áo che cho bom khỏi ướt. Đồng chí Ngô Mây lại luôn tìm đồng đội hỏi kinh nghiệm đánh bom để làm nhiệm (…)

(…) chiến đấu đã tới, đồng chí Ngô Mây và đơn vị (…) ở một quãng đường hiểm trở đón đường (…) Pleiku xuống An Khê. Trăng sáng rõ 4 xe vận tải (…) địch tiến vào trận địa ta. Chúng cho một toán (…) xục xạo (sục sạo-N.V) và tìm thấy dấu vết của bộ đội ta (…) hai bên nổ súng. Nửa giờ sau, theo kế hoạch, bộ đội ta rút (…) quân địch ào lên và tiến nhanh. Chúng không ngờ trong một bụi cây gần đấy, đồng chí Ngô Mây đang ôm bom nằm chờ. Nhìn thấy (…) đến đồng chí Ngô Mây liền mở chốt bom. Một (…) long trời (…) đất. Hơn một trung đội địch (…) và đồng chí Ngô Mây anh dũng hy sinh.

Trong (…) Quốc khánh 2-9-1955, Chính phủ và Hồ Chủ tịch (…) tặng danh hiệu Anh hùng Quân đội và Huân chương Quân công hạng nhì”.

Theo chúng tôi, đây có thể là tấm bia sớm nhất đã ghi lại tương đối đầy đủ sự kiện chiến sĩ Ngô Mây ôm bom cảm tử năm 1947 tại chiến trường Gia Lai. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày trận phục kích oanh liệt này diễn ra, thị xã An Khê đang gấp rút hoàn thành hồ sơ di tích cấp tỉnh về trận Rộc Dứa, Suối Vối. Khi mà các di vật lịch sử liên quan đến trận đánh vừa nêu dường như không còn thì tấm bia Anh hùng Ngô Mây tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh có thể được xem là hiện vật có giá trị đặc biệt trong trường hợp này.
 
 NGUYỄN QUANG TUỆ
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017