CHUYÊN MỤC

Thị ủy An Khê tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW (Khóa X)

17/04/2018
Thị ủy An Khê tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW (Khóa X) và Chương trình số 46-CTr/TU ngày 27/10/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới
Ngày 13/3/2018, Thị ủy An Khê ban hành Báo cáo số 288-BC/TU tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) và Chương trình số 46-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, nội dung Báo cáo tổng kết những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết:
 

Công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn thị xã có nhiều chuyển biến tích cực. Tư duy về lãnh đạo, quản lý đối với nhiệm vụ phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn thị xã ngày càng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm đổi mới, định hướng kịp thời, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và nguyện vọng của nhân dân. Phát huy hiệu quả việc chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; đấu tranh chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; định hướng trong việc quản lý, tổ chức, sáng tạo, phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo động lực kích thích sự cống hiến của đội ngũ làm công tác văn học, nghệ thuật.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý được chú trọng, tạo điều kiện để các đơn vị sự nghiệp văn hóa hoạt động hiệu quả. Đội ngũ trực tiếp sáng tạo văn học, nghệ thuật của thị xã được kiện toàn, có năng lực và tâm huyết; được tạo điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận, các trại sáng tác, các cuộc liên hoan, triển lãm của tỉnh, khu vực và toàn quốc; nhiều hội viên tham gia các cuộc thi uy tín cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế và đạt nhiều giải thưởng lớn.[1]

Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật được tăng cường. Đoàn kiểm tra liên ngành về văn hóa – xã hội của thị xã được kiện toàn, tổ chức kiểm tra nội dung các chương trình biểu diễn nghệ thuật, sân khấu biểu diễn trên địa bàn; kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, văn hóa phẩm, xuất bản phẩm lưu hành trên thị trường. Trong 10 năm, đã tổ chức hàng trăm lượt kiểm tra, góp phần định hướng các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh.[2]

Quan tâm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng Tây Sơn Thượng đạo, đã thực hiện việc trùng tu, tôn tạo hệ thống thiết chế văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với Khu di tích lịch sử - văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, các thiết chế tín ngưỡng trên địa bàn, tổng giá trị đầu tư trên 15 tỷ đồng. Nâng tầm quy mô tổ chức hệ thống các Lễ, Hội (Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, tái hiện Hội cầu huê, Lễ Khai Sơn, Lễ Quý Xuân của người Việt trên đất An Khê, Lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung,…). Tổ chức triển lãm ảnh thời sự, nghệ thuật; Hội thảo khoa học về Phong trào nông dân Tây Sơn; triển khai đề tài khoa học “Lịch sử và văn hóa vùng đất An Khê, Gia Lai”. Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; hàng năm thị xã duy trì tổ chức Hội thi văn hóa – thể thao dân tộc cho 4 làng đồng bào dân tộc nhằm giữ gìn và phát huy các môn thể thao dân gian, nghệ thuật múa xoang, cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Các hoạt động văn học, nghệ thuật quần chúng có bước phát triển, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Trung bình mỗi năm trên địa bàn thị xã tổ chức 10 chương trình văn nghệ quần chúng, các hội thi, hội diễn của các ngành, đoàn thể, đơn vị; hình thành nên đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên đạo và diễn viên không chuyên hoạt động sôi nổi. Các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, trang bị phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
 
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa chưa chặt chẽ, xử lý chưa nghiêm các hiện tượng tiêu cực, vi phạm.  Hệ thống thiết chế và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa tuy có đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn mang tính chắp vá, chưa đồng bộ, hiệu quả khai thác, sử dụng chưa cao. Việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm huy động các nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức kinh tế đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa còn hạn chế. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội ở địa phương chưa thể hiện tính chủ động, nội dung đơn điệu, hiệu quả giáo dục chưa cao. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện được.
Báo cáo cũng đề ra một số giải pháp chung để tiếp tục đưa Nghị quyết 23 vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả.
Một là, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền về sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Hai là, xây dựng được kế hoạch, xác định cụ thể mục tiêu, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) và Chương trình số 46-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” để tập trung tăng cường lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật; động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia sáng tạo, phổ biến, hưởng thụ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Bốn là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của Chi hội Văn học Nghệ thuật, Đội Tuyên truyền lưu động, các thiết chế văn hóa cơ sở; kịp thời đánh giá, tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác văn học, nghệ thuật; thực hiện tốt công tác khen thưởng, động viên tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nghệ thuật.
Năm là, định hướng sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh những vấn đề lớn của xã hội.

Thanh Hoàng
 

[1] Thị xã có 06 công chức quản lý cấp thị xã, 11 công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa; trong đó, cấp thị xã có 100% trình độ Đại học; cấp xã có 72,7% trình độ Cao đẳng, Đại học, 27,3% trình độ trung cấp các chuyên ngành văn hóa – xã hội.
Đã thành lập Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã, là Chi hội duy nhất của tỉnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai và  01 nghiệp đoàn nhiếp ảnh gồm 38 thành viên hoạt động hiệu quả. Trong 10 năm, lực lượng sáng tác tham gia trại sáng tác âm nhạc (03 lượt), trại sáng tác văn thơ (01 lượt); tham gia bồi dưỡng lý luận sáng tác âm nhạc (02 lượt). Có 01 nhiếp ảnh gia (Nhất Hạnh) được công nhận danh hiệu VAPA (Thành viên Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam), A. FIAP (Thành viên Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế), đạt 01 HCĐ quốc gia, 04 HCB các nước, 05 HCĐ quốc tế, 6 bằng khen danh hiệu. 01 nhiếp ảnh gia (Hữu Hòa) là thành viên FIAP, đạt 03 HCV, 03 HCB, 01 HCĐ và nhiều bằng danh dự các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế. 01 nhiếp ảnh gia (Trần Anh Tuấn) đạt giải nhất cuộc thi tài năng do Nghiệp đoàn nhiếp ảnh Thành phố Pleiku tổ chức năm 2015.
[2] Từ năm 2008-2018, đã tiến hành kiểm tra 682 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa; xử phạt vi phạm hành chính 87 cơ sở (31 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 43 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, 10 lượt cơ sở kinh doanh simcard, 03 lượt cơ sở kinh doanh đĩa nhạc, phim); thu nộp ngân sách nhà nước 270,350 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 1.142 đĩa lậu, 115 simcard, 316 tờ tiền sao chép.
Tổ chức kiểm tra chuyên ngành hoạt động xuất bản phẩm có sử dụng hình ảnh minh họa cờ của Trung Quốc thay cho cờ của Việt Nam, in bản đồ của Trung Quốc có thể hiện “đường lưỡi bò”, bản đồ của quốc gia thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, việc đặt tượng lân, sư, rồng có ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc; tổ chức kiểm tra nội dung bộ đĩa ASIA 72 “Dòng nhạc Y Vân, 60 năm cuộc đời” gồm 26 ca khúc do nhạc sĩ Y Vân sáng tác trước năm 1975, bộ đĩa CD “Thằng mõ 1”, đĩa “Bụi đời chợ lớn”,…; các chương trình biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn do các đơn vị, cá nhân tổ chức trên địa bàn (khoảng 10 đoàn/năm). Chưa phát hiện sai phạm.
Cấp Giấy phép kinh doanh karaoke đối với 19 cơ sở theo Quyết định số 302/QĐ-UBND ngày 12/7/2007 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt dự án quy hoạch các điểm dịch vụ nhà hàng karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với 38 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử công cộng.
 
 
 
 
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017