CHUYÊN MỤC

Một ngày của các nhà Khảo cổ Học Việt- Nga

27/03/2018
Công việc khảo cổ học đối với nhiều người vẫn là một điều khá mơ hồ, lạ lẫm. Trong tháng 3 năm 2018, thực hiện Chương trình hợp tác quốc tế Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk - Liên bang Nga, giai đoạn 2015-2019, các nhà Khảo cổ học Nga và Việt Nam đã trở lại thị xã An Khê, tiếp tục khai quật các di chỉ thời sơ kỳ Đá cũ đã được phát hiện tại đây. Hãy cùng chúng tôi đã theo chân các chuyên gia khảo cổ để tìm hiểu về công việc vất vả nhưng đong đầy lòng đam mê này.

Ngày nào cũng vậy, 7 giờ sáng, các nhà khảo cổ học đã lên xe đi đến công trường khai quật. Con đường đất gồ ghề, giồng xóc, chạy giữa các nương rẫy đã trở nên quen thuộc với họ tự lúc nào. Tại di tích Đá cũ Rộc Tưng 4 (xã Xuân An- thị xã An Khê), khu vực được các chuyên gia xác định là nơi chế tác công cụ của người tiền sử, những nhân công làm thuê người địa phương cũng đã có mặt. Không để lãng phí thời gian, tất cả lập tức bắt tay vào công việc. Khai quật khảo cổ là một công việc đòi hỏi sự nhẫn nại và tỉ mỉ. Trước mặt chúng tôi là một hố khai quật vuông vức với chiều sâu trung bình khoảng 1 m, các nhà khảo cổ cặm cụi ngồi dưới hố, thận trọng dùng những chiếc bay, thuổng nhỏ xíu như bàn tay trẻ con cào từng lớp đất cho vào xô. Từng centimet tầng đất dần hiện ra với khá nhiều hiện vật phong phú nằm lẫn đá cuội tự nhiên. Những hiện vật này qua sàng lọc sạch đất cát, được phân loại bảo quản cẩn thận nhằm cho kết quả phân tích niên đại chính xác. Vài mẫu vật được các chuyên gia đem ra bàn luận, phân tích ngay tại chỗ.
Cách đó vài trăm mét, một hố thám sát có diện tích nhỏ được đào lên nhằm mục đích thăm dò xem có hiện vật ở khu vực đó không.

Khai-quat-khao-co-tai-cong-truong.JPG

Các nhà Khoa học đang Khai quật; Ảnh. Phương Thanh

Làm việc nhiều ngày ngoài công trường đầy nắng gió, nước da trắng của người Nga cũng trở nên rám nắng, đỏ lự. Dù điều kiện thời tiết thế nào họ vẫn cần mẫn làm việc, không chút lơ là. Ai chứng kiến mới thấy rõ niềm đam mê và tinh thần làm việc nghiêm túc của các chuyên gia khảo cổ, những người đã mà hạnh phúc với họ là tìm kiếm mẫu vật, lắng nghe đất đá vô tri kể câu chuyện về đời sống thuở bình minh của loài người. Tiến sĩ Alekxander Kandyba- Viện khảo cổ học- Dân tộc học Novosibirsk- Liên bang Nga chia sẻ: “Có thể nói có duyên nợ gì đó đưa đẩy tôi đến với nghề khảo cổ, tôi rất yêu nó ngay khi còn học tại nhà trường, khi ra trường tôi đã được làm việc ở Viện Khảo cổ học, cơ quan chuyên khai quật và nghiên cứu các di tích thời đá cũ ở quê hương chúng tôi. Và cũng một duyên nợ nào đó tôi lại được sang Việt Nam, tiếp xúc với các di tích khảo cổ học hang động và đặc biệt vào An Khê, khai quật các địa điểm sơ kỳ đá cũ, đây chính là những tư liệu khảo cổ quý giá trong tất cả di tích mà tôi đã được tiếp xúc”.       
Còn PGS-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử- Viện khảo cổ học Việt Nam bộc bạch: “Vào những năm tôi chuẩn bị rời công sở, cái mà ấn tượng nhất với tôi là tham gia phát hiện và nghiên cứu các di tích khảo cổ học sơ kỳ đã cũ ở An Khê. Phát hiện cái này là một điều rất sung sướng đối với tất cả mọi người làm công tác nghiên cứu khảo cổ học thời đá cũ”.
Trong suốt đợt khai quật, thỉnh thoảng lại có những vị khách đến thăm công trường, có thể là lãnh đạo địa phương, cán bộ Sở Văn hóa- Thể Thao- Du lịch, Bảo tàng tỉnh hay những người nông dân làm rẫy ở gần đó tò mò đến xem. Những đoàn khách hay người dân ghé thăm làm cho không khí công trường càng thêm rộn rã.
Công việc đào xới ngoài công trường tạm dừng đúng vào lúc 11h30 để ăn trưa. Trong căn lều dã chiến gần hố khai quật, mọi người tập trung đông đủ cùng ăn cơm với những món ăn thuần Việt được mang theo từ sáng. Công việc sẽ tiếp tục sau giờ ăn trưa cho đến chiều tối.
Rời công trường, chúng tôi trở về Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo, nơi đoàn chuyên gia đang lưu trú. Chuyện ăn ở, sinh hoạt của các nhà khảo cổ học cũng thật đơn giản, một căn bếp nhỏ được đặt ở tầng trệt bảo tàng, các hiện vật được trưng bày ở lầu 1 và nơi ngủ ở lầu 2.
Tiến sĩ một vài chuyên gia vừa trở về từ công trường đang tiến hành phân loại, phân tích, đánh giá sơ bộ hiện vật thu được khi khai quật được tại An Khê. Trong tổ hợp công cụ đá ở đây có nhiều di vật rất đặc biệt, như mũi nhọn tam diện, công cụ ghè hai mặt, đặc biệt là tìm thấy những chiếc rìu tay rất đẹp. Các hiện vật tìm thấy ở An Khê trong đợt khai quật trước đã được phân tích niên đại và cho kết quả khoảng trên dưới 80 vạn năm cách ngày nay. Chúng tôi đã rất hào hứng khi chứng kiến Tiến sĩ- họa sĩ trẻ Kadachigov  đang tỉ mỉ, nắn nót vẽ lại các hiện vật và chỉnh sửa trên đồ họa vi tính.
Điều đặc biệt trong các đợt khai quật khảo cổ thời sơ kỳ đã cũ ở thị xã An Khê là có sự tham gia, hợp tác của các nhà khảo cổ học người Nga và Việt Nam. Thời gian làm khảo cổ, ngoài những trải nghiệm thú vị trong công việc, họ đã có những cảm nhận ấm áp về tình bạn, tình đồng nghiệp. Đặc biệt, những người bạn đến từ nước Nga xa xôi đã có những cảm nhận, ấn tượng đặc biệt về mảnh đất, con người An Khê. Tiến sĩ Alekxander Kandyba - Viện khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên đối với tôi là vùng đất này, khí hậu, điều kiện tự nhiên rất ấm áp, nó cho tôi đã cảm nhận được sự thay đổi không khí khi từ xứ lạnh sang đây. Một điều ấn tượng nữa có lẽ không bao giờ tôi quên được là những ngày tháng làm việc ở đây được sự cộng tác, giúp đỡ của các đồng nghiệp khảo cổ tại Việt Nam, của nhân dân và chính quyền địa phương, điều đó đã tạo cho chúng tôi ấn tượng rất tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam.  Khi đến Việt Nam cũng như đến đây tôi thích nhất chính là những món ăn ngon là nem và phở”.
          Một ngày theo chân các nhà khảo cổ học kết thúc với bữa cơm tối thân mật và đầm ấm, mọi người dường như quên đi sự bất đồng ngôn ngữ và khác biệt văn hóa, cùng ăn những món ăn Việt, những trái cây miền nhiệt đới. Nhưng công việc của các chuyên gia vẫn chưa kết thúc, vì đam mê và cũng để kịp tiến độ công việc, sau khi ăn cơm họ lại lao vào xem xét các hiện vật mới phát hiện. Có lẽ đêm khuya mới đi ngủ.
          Rồi đây nhiều hiện vật độc đáo, nhiều bí ẩn thú vị tại các di tích sẽ được trưng bày, công bố với công chúng. Nhưng chắc ít ai biết được rằng ở đâu đó trên những vùng xa xôi, hẻo lánh với điều kiện khó khăn, những nhà khảo cổ vẫn âm thầm làm công việc của họ, công việc đi tìm sự thật cuộc sống tổ tiên của nhân loại để thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội được biết đến.
 
Phương Thanh
 
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017