CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 01 THÁNG 12/2021

06/12/2021
Tìm hiểu một số quy định của pháp luật liên quan đến khiếu nại
Câu 1: Nhận thấy mức đền bù đất bị thu hồi không thỏa đáng, 11 hộ gia đình ở thôn X xã Y đã làm đơn khiếu nại gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Các chủ hộ đều ký đầy đủ vào đơn và cử bác K (là trưởng họ) làm đại diện gửi đơn khiếu nại. Đề nghị cho biết trong thời hạn bao lâu kể từ ngày nhận được đơn thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải thụ lý và thông báo đến người khiếu nại, văn bản thông báo sẽ được gửi cho bác K hay từng gia đình?
Trả lời:
Thời hạn thụ lý và gửi thông báo về việc thụ lý giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 (Nghị định số 124/2020/NĐ-CP).
Theo đó trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại mà không thuộc một trong các khiếu nại không được thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung và cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại thì thụ lý khi trong đơn khiếu nại có đầy đủ chữ ký của những người khiếu nại và có văn bản cử người đại diện theo quy định. Trường hợp không thụ lý giải quyết thi phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý bằng văn bản đến người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến (nếu có) và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết. Trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung và cử người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì văn bản thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý được gửi đến một trong số những người đại diện.
Câu 2: Đề nghị cho biết việc tiến hành xác minh nội dung khiếu nại được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Việc tiến hành xác minh nội dung khiếu nại được thực hiện theo quy định tại mục 2 chương IV Nghị định số 124/2020/NĐ-CP. Theo đó để tiến hành xác minh nội dung khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thực hiện theo các cách thức như sau:
- Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại.
- Làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và người bị khiếu nại.
Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng.
- Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng.
- Xác minh thực tế.
- Trưng cầu giám định.
- Làm việc với các bên có liên quan trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại.
- Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại.
- Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại.
- Tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai.
Câu 3: Khi làm việc trực tiếp với người khiếu nại để tiến hành xác minh nội dung khiếu nại thì phải lập biên bản làm việc. Đề nghị cho biết người khiếu nại có bắt buộc phải ký vào biên bản làm việc đó hay không?
Trả lời:
Người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại sẽ làm việc trực tiếp và yêu cầu người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến nhân thân, nội dung khiếu nại.
Nội dung làm việc được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung và có chữ ký của các bên. Trường hợp người khiếu nại không hợp tác, không làm việc, không ký vào biên bản làm việc thì biên bản được lấy chữ ký của người làm chứng hoặc đại diện chính quyền địa phương. Biên bản được lập thành ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản.
Như vậy, nếu người khiếu nại không ký vào biên bản thì trong biên bản cần có chữ ký của người làm chứng hoặc đại diện chính quyền địa phương.
Câu 4: Sau khi gửi đơn khiếu nại lần hai đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, chúng tôi nhận được thông báo sẽ có đối thoại trực tiếp với Chủ tịch. Đề nghị cho biết việc tổ chức đối thoại được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Việc tổ chức đối thoại được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP. Theo đó, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại. Người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở hoặc tương đương phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại.
Người chủ trì đối thoại phải tiến hành đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có quyền, lợi ích liên quan. Người chủ trì đối thoại khi đối thoại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, bổ sung thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình. Người chủ trì đối thoại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới người tham gia đối thoại gồm người khiếu nại, người đại diện (trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung) người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan về thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại.
Việc đối thoại được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia (ghi rõ người dự và người vắng mặt; trường hợp người khiếu nại không tham gia đối thoại thì ghi rõ có lý do hoặc không có lý do), nội dung, ý kiến của những người tham gia, những nội dung đã được thống nhất, nhũng vấn đề còn có ý kiến khác nhau và có chữ ký của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất ba bản, mỗi bên giữ một bản.
Câu 5: Xin hỏi quyết định giải quyết khiếu nại chỉ được gửi cho người khiếu nại hay còn gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP thì việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện như sau:
  • Đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính: Nếu là quyết định giải quyết lần đầu thì gửi cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại; người giải quyết khiếu nại lần hai, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định.
Nếu là quyết định giải quyết lần hai thì gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định.
- Đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức:
Nếu là quyết định giải quyết lần đầu thì gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Nếu là quyết định giải quyết lần hai thì gửi cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được gửi cho Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Việc gửi quyết định thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017