CHUYÊN MỤC

HỎI – ĐÁP PHÁP LUẬT KỲ 4 THÁNG 9/2020

28/09/2020
Tìm hiểu một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng
Câu 1: Pháp luật quy định những lĩnh vực nào cần phải công khai để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

Trả lời:

Việc công khai các hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động và tài nguyên là một trong các biện pháp có hiệu quả để bảo đảm thực hành tiết kiệm, ngăn chặn, phòng ngừa lãng phí.

Khoản 2 Điều 5 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 quy định trừ các lĩnh vực, hoạt động thuộc bí mật nhà nước các lĩnh vực hoạt động sau đây phải thực hiện công khai:

          - Dự toán, phân bổ, điều chỉnh dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước; các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước;

          - Đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách;

          - Các khoản thu vào ngân sách nhà nước, huy động vốn cho ngân sách và cho tín dụng nhà nước; các quỹ có nguồn huy động đóng góp trong và ngoài nước; nợ công theo quy định tại Luật quản lý nợ công;

          - Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch và hoạt động khai thác tài nguyên;

          - Định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan, tổ chức quy định hoặc áp dụng thực hiện; quy chế quản lý tài chính, chi tiêu nội bộ của cơ quan, tổ chức; quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành, lĩnh vực;

          - Phân bổ, sử dụng nguồn lực lao động;

          - Chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả thực hành tiết kiệm; hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí;

          - Quy trình, thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân.

          - Các quy định pháp luật có liên quan đến yêu cầu thực hiện công khai.

Trường hợp nội dung công khai có liên quan đến bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Việc công khai các nội dung trên phải thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sau đây gọi tắt là Nghị định số 84/2014/NĐ-CP):

- Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin phải công khai và phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông tin công khai;

- Cập nhật thường xuyên các thông tin đã công khai;

- Tuân thủ đầy đủ các quy định về nội dung, thời hạn và hình thức công khai.

Câu 2: Khi người dân phát hiện có hành vi lãng phí và đã phản ánh về cơ quan nơi có hành vi lãng phí xảy ra thì người đứng đầu cơ quan phải xử lý thông tin đó như thế nào?

          Trả lời:

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhận được thông tin lãng phí trong cơ quan, tổ chức mình sẽ xử lý thông tin theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP như sau:

          - Khi nhận được thông tin phát hiện lãng phí thuộc thẩm quyền giải quyết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi nhận được thông tin có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin, hành vi lãng phí và thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra (nếu có). Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí phải chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xác minh, xử lý.

- Việc xác minh thông tin phát hiện lãng phí bao gồm:

+ Tình hình quản lý, sử dụng tiền, tài sản, lao động có liên quan đến thông tin phát hiện lãng phí tại cơ quan, tổ chức;

+ Làm rõ sự việc lãng phí theo thông tin phát hiện;

+ Xác định hành vi lãng phí, mức độ lãng phí.

- Xử lý kết quả xác minh như sau:

+ Trường hợp có lãng phí xảy ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi để xảy ra lãng phí có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, khắc phục; xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm và thông báo công khai kết quả xử lý hành vi lãng phí; thực hiện giải trình trước cơ quan chức năng về việc để xảy ra lãng phí.

Thời hạn xử lý không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí; trường hợp cần thiết có thể gia hạn xử lý thông tin một lần nhưng không quá 30 ngày, đối với nội dung phức tạp thì không quá 60 ngày.

+ Trường hợp chưa có cơ sở để xác định có lãng phí xảy ra hoặc thông tin không đúng sự thật thì trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xác minh, cơ quan, tổ chức nơi tiếp nhận thông tin phát hiện lãng phí có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí khi có yêu cầu.

        - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin phát hiện lãng phí không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp do chậm ngăn chặn, khắc phục để tiếp tục xảy ra lãng phí gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức hoặc pháp luật về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

Câu 3: Do không tính toán trong việc trang bị phương tiện làm việc cho cán bộ, công chức của cơ quan. Cơ quan Z đã mua nhiều bàn ghế, máy tính, tủ đựng tài liệu. Việc này dẫn đến tình trạng nhiều tài sản chưa hết khấu hao nhưng đã được thay thế, gây lãng phí rất lớn. Xin hỏi pháp luật quy định việc xác định giá trị thiệt hại và số tiền bồi thường thiệt hại như thế nào?

          Trả lời:

  Việc xác định giá trị thiệt hại và số tiền bồi thường thiệt hại căn cứ vào Điều 21 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 8/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như sau:

- Nếu thiệt hại là tài sản thì giá trị tài sản bị thiệt hại được xác định trên cơ sở giá trị thực tế của tài sản (tính theo giá thị trường tại thời điểm xảy ra thiệt hại) trừ đi giá trị còn lại của tài sản (nếu có) tại thời điểm xảy ra thiệt hại;

- Nếu thiệt hại là tiền, giấy tờ có giá hoặc các tài sản khác dưới dạng tiền tệ, tài chính thì giá trị tài sản bị thiệt hại được xác định bằng số tiền thực tế bị thiệt hại;

- Các thiệt hại khác xác định trên cơ sở chênh lệch tính thành tiền giữa định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt với thực tế thực hiện và chi phí khắc phục hậu quả (nếu có).

Đối chiếu với quy định trên, việc cơ quan Z thay mới nhiều phương tiện làm việc trong khi phương tiện cũ chưa hết khấu hao là hành vi lãng phí. Để xác định giá trị thiệt hại trong trường hợp này, cần căn cứ vào thời gian tính khấu hao tài sản còn lại của các phương tiện làm việc cũ.

 
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017