CHUYÊN MỤC

Gia Lai gia tăng số lượng người tiêm vắc xin phòng bệnh dại

24/03/2024
(GLO)- Theo Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku (tỉnh Gia Lai), từ tháng 2-2024 đến nay, số người đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại tăng 300% so với thời gian trước. Dù hiện tại chưa phải cao điểm mùa nắng nóng nhưng cho thấy bệnh dại vào mùa sớm và diễn biến phức tạp.

TIN LIÊN QUAN Dẫn con gái đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku, chị Nguyễn Thị Thu Như (tổ 6, phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho biết: Con gái tôi đi học về thì bất ngờ bị chó chạy rông trên đường cắn chảy máu ngay chân. Về nhà cháu đã nói lại mẹ biết nên tôi lập tức đưa cháu đi tiêm chủng. “Bây giờ nhiều người tử vong do bệnh dại nên không thể chủ quan được. Nhất là tại tỉnh Gia Lai, thời gian qua đã có nhiều người tử vong vì bệnh dại do bị chó mèo cào cắn mà không đi tiêm phòng”-chị Như chia sẻ. 

Một bé gái tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku (Gia Lai). 
Ảnh đơn vị cung cấp 
 
Bác sĩ A Thị Hải Vân-Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku thông tin: Tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku, từ sau Tết đến nay ghi nhận hàng trăm lượt người đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại, tăng 300% so với thời gian trước Tết. Số ca mắc bệnh dại thường tăng mạnh vào mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, song tại Gia Lai, số người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dại đã tăng mạnh trong thời điểm này cho thấy bệnh dại vào mùa sớm hơn mọi năm.
Theo bác sĩ Hải Vân, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương do vi rút dại gây ra, tỷ lệ tử vong gần 100% khi phát bệnh. “Vi rút dại có ở trong nước bọt, móng vuốt của các loài động vật máu nóng có vú như chó, mèo, khỉ, dơi, chuột, chồn, cáo, cầy, sóc, thỏ… đi vào cơ thể người thông qua các vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở. Bệnh dại hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin và huyết thanh kháng dại là biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện có”- bác sĩ Hải Vân nhấn mạnh.
Tại Gia Lai hàng năm vẫn ghi nhận các ca tử vong do bệnh dại. Riêng từ năm 2023 đến nay, bệnh dại diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ổ bệnh dại và các ca tử vong do bệnh dại. Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh dại gia tăng là do chưa quản lý được đàn chó, mèo, tình trạng chó thả rông còn phổ biến; công tác rà soát, thống kê số lượng chó, mèo tại các địa phương chưa chính xác dẫn đến tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vắc xin phòng bệnh dại thấp; vi rút dại còn lưu hành trên động vật; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, chó thả rông; lực lượng thú y cơ sở còn thiếu, hạn chế; một số người dân còn chủ quan chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sau khi bị chó mèo cắn, cào.

Gia Lai tăng cường các hoạt động truyền thông phòng-chống bệnh dại. 
Ảnh: Như Nguyện 
 
Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai thông tin: Trong năm 2023, Gia Lai ghi nhận 14 ca tử vong do bệnh dại. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh ghi nhận 2 ca tử vong; trong đó 1 ca tại huyện Chư Sê và 1 ca tại huyện Đức Cơ. Bệnh dại vào mùa sớm và hiện diễn biến phức tạp đòi hỏi cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và hệ thống chính trị.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm đã xây dựng kế hoạch phòng-chống bệnh dại năm 2024, trong đó tập trung các lực lượng gần dân nhất tham gia vào công tác tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, việc cần thiết phải tiêm vắc xin dại khi bị chó mèo cào cắn và ý thức trong nâng cao các biện pháp phòng-chống bệnh dại.
“Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động hệ thống y tế cơ sở, phối hợp với các địa phương tăng cường truyền thông phòng-chống bệnh dại; trong đó phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, y tế thôn bản để vận động người dân khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số bị chó, mèo cào cắn; đồng thời có sự hỗ trợ giúp họ được tiêm vắc xin cũng như huyết thanh kháng dại sớm nhất. Hiện nay, vấn đề bệnh dại tại Gia Lai rất phức tạp, vì vậy mong người dân nâng cao ý thức phòng- chống bệnh. Các hộ dân nếu nuôi chó mèo cố gắng tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi đầy đủ và quản lý chặt chẽ vật nuôi, không thả rông ra ngoài đường. Trường hợp có dẫn ra đường thì phải rọ mõm. Bên cạnh đó, chúng tôi mong chính quyền các cấp vào cuộc và có nhiều giải pháp tích cực nhất để cùng với ngành Y tế trước mắt cũng như lâu dài ngăn ngừa bệnh dại một cách hiệu quả”- ông Nguyễn Văn Đồng cho biết.

Người dân cần chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi để phòng-chống bệnh dại. 
Ảnh: Như Nguyện 
 
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh hiện nay trên 217 ngàn con, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin trên tổng đàn chó, mèo của địa phương vẫn còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 20%. Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng- chống bệnh dại thời gian qua chưa được hiệu quả như mong muốn; thói quen nuôi chó, mèo thả rông; không chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi và không tiêm vắc xin khi bị chó mèo cào cắn… càng khiến nguy cơ bệnh dại gia tăng.
Để phòng-chống bệnh dại, chính quyền địa phương các cấp cần vào cuộc quyết liệt, mạnh tay xử phạt người nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo. Đặc biệt, trong trường hợp chủ vật nuôi để chó thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn phải hoàn toàn chịu mọi chi phí điều trị, các chi phí khác liên quan và thậm chí chịu trách nhiệm hình sự, từ đó mới đủ sức răn đe góp phần tạo biến chuyển trong ý thức trách nhiệm phòng-chống bệnh dại trong cộng đồng. 

NHƯ NGUYỆN
https://baogialai.com.vn/gia-lai-gia-tang-so-luong-nguoi-tiem-vac-xin-phong-benh-dai-post270654.html

 
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017