CHUYÊN MỤC

Trẩy hội đầu Xuân với Hội hát cầu Huê An Khê

19/06/2016
(GLO)- Như một thói quen, sáng mùng 4 Tết Đinh Dậu (31-1) nhân dân khu vực Đông Gia Lai lại nô nức tập trung về khuôn viên An Khê Trường (thuộc Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo) dự Lễ kỷ niệm 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2017). Đặc biệt, năm nay, mọi người còn được tham gia vào Hội hát cầu Huê-nét đặc sắc trong di sản văn hóa phi vật thể của người Việt vùng An Khê, lần đầu tiên được tái hiện trên chính quê hương mình.
Thành kính tưởng niệm

Lễ kỷ niệm 244 năm khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1773-2017) và 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2017) đã được Thị ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê tổ chức trong không khí long trọng và hết sức trang nghiêm. Khuôn viên An Khê Trường năm nay được trang trí rực rỡ hơn với hoa tươi, cờ đào, cây nêu… Các cụ bô lão rạng ngời trong trang phục áo dài khăn đóng đủ màu sắc; các em nhỏ cầm trên tay những chùm bóng bay, tươi cười theo cha mẹ đến dự lễ.
 
Về dự Lễ kỷ niệm 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa và Hội hát cầu Huê năm 2017 có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Đức Hoàng-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện lãnh đạo thị xã An Khê, các huyện Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và huyện Tây Sơn (Bình Định); cùng đông đảo bà con nhân dân địa phương.
Không chỉ nhân dân ở trung tâm thị xã, từ sáng sớm, nhiều người ở xa hoặc các huyện lân cận cũng đã có mặt trong tâm thế thành kính lẫn háo hức. Bà Nguyễn Thị Chung (thôn An Phong, xã Phú An, huyện Đak Pơ) cho biết: “Cả đại gia đình tôi gồm con, cháu, dâu, rể gần 20 người đã đến đây từ hơn 6 giờ sáng để tham dự lễ kỷ niệm và chờ đợi được vào dâng hương lên 3 anh em nhà vua Quang Trung. Nhiều năm rồi, chúng tôi vẫn giữ thói quen này, phần cho con cháu vui Xuân đón Tết, phần để chúng biết được những nét truyền thống đẹp đẽ của quê hương mà phát huy, gìn giữ”.

Trong không khí trang nghiêm, mọi người cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng, oanh liệt của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và sự nghiệp vĩ đại của người anh hùng “áo vải cờ đào” Quang Trung-Nguyễn Huệ. Theo đó, nhờ biết thu phục nhân tâm, tài trí và đoàn kết toàn dân, chỉ sau 40 ngày đêm vừa chuẩn bị, vừa hành quân, vừa chiêu quân, vừa huấn luyện binh sĩ, vừa chiến đấu, Nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của Hoàng đế Quang Trung đã lập nên chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm, đánh tan 5 vạn quân Xiêm và hơn 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược. Chúa Nguyễn ở Đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều bị lật đổ, triều đại Tây Sơn được lập nên và phát triển rực rỡ về sau này.

Trong làn gió đầu Xuân, cái lạnh đã không còn hiện hữu, thay vào đó là nắng ấm trải dài. Dưới tượng đài uy nghi của Hoàng đế Quang Trung, các đoàn đại biểu cùng bà con nhân dân lần lượt kính cẩn nghiêng mình, dâng lên anh linh của vị anh hùng dân tộc những lẵng hoa tươi thắm nhất để tỏ lòng biết ơn đến Người cùng các liệt sĩ đã không tiếc máu xương gìn giữ giang sơn Tổ quốc.

Anh Trần Văn Kha (quê ở TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: “Tôi lấy vợ ở An Khê và lập nghiệp tại đây đã gần 1 năm. Đây là lần đầu tiên tôi biết và đến dự lễ kỷ niệm này. Mọi thứ được tổ chức rất chu đáo, hoành tráng và trang trọng. Tôi cảm thấy đây là sự kiện hết sức ý nghĩa và nhất định, tôi sẽ tiếp tục tham gia vào các năm sau”.
 
Việc dâng hương tại Tổ đình cũng tuân thủ tuyệt đối theo nghi thức truyền thống với chiêng, trống, nhạc lễ. Sau khi vị Chánh tế hành lễ, lãnh đạo tỉnh, thị xã, các huyện bạn và nhân dân đã lần lượt tiến vào bên trong tổ đình và thành kính dâng hương lên 3 anh em nhà Tây Sơn. Dưới làn khói hương nghi ngút, không gian linh thiêng ấy càng trở nên ấm cúng trong ngày đầu Xuân.

Vui hội hát cầu Huê

Sau 2 năm được Bảo tàng tỉnh Gia Lai tái hiện lại tại TP. Pleiku, năm nay, UBND tỉnh Gia Lai quyết định giao lại cho thị xã An Khê-quê hương của Hội hát cầu Huê-đảm nhận tổ chức lễ hội này nhằm tái hiện lại cơ bản nhất không gian lễ Quý Xuân truyền thống của người An Khê.
 
Từ nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, Hội hát cầu Huê (tức cầu mùa, cầu huê lợi) trong khuôn khổ lễ hội Tế Xuân (Quý Xuân) là lễ hội lớn nhất trong các hoạt động lễ hội của người Việt vùng An Khê. Trung tâm của nét văn hóa đặc sắc này là ấp Tây Sơn Nhất, tức thôn An Lũy (nay là tổ dân phố 14, phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Thời điểm chính của lễ hội là ngày mùng 10 tháng 2 Âm lịch. Hàng năm, cứ vào dịp này, sau nghi lễ Tế Xuân, người An Khê sẽ có 3 ngày vui hội với các trò chơi dân gian và hát hội một đêm hai ngày. Cũng trong thời gian ấy, người An Khê dành một không gian đặc biệt để họp chợ tại Gò Chợ ở phía Tây An Khê Trường. Cả người Việt lẫn người Bahnar và các dân tộc thiểu số khác cùng mang hàng hóa ra đây để trao đổi, mua bán, giao lưu. Tuy nhiên, hơn 60 năm qua, Hội hát cầu Huê gần như mai một, đặc biệt là hoạt động của khu chợ Kinh-Thượng đã mất hẳn.

Cùng với việc tái hiện các hoạt động vốn có của lễ hội như: trò chơi dân gian; phiên chợ Kinh-Thượng, hát cầu Huê (hát bội, bài chòi, cồng chiêng…), thị xã An Khê còn mong muốn tạo được một không gian du Xuân vui tươi, lành mạnh cho nhân dân An Khê nói riêng và du khách nói chung. Hội hát cầu Huê kéo dài từ sáng đến 21 giờ ngày mùng 4 Tết.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê, cho biết: “Vì An Khê chính là cái nôi của Hội hát cầu Huê nên khi lễ hội được tái hiện tại đây đã tạo nên sự náo nức rất lớn trong nhân dân, nhất là các cụ cao niên đã từng chứng kiến hoặc nghe kể về lễ hội này. So với 2 năm tái hiện trên khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Hội hát cầu Huê ở An Khê có quy mô lớn hơn. Chúng tôi đã huy động tất cả các xã, phường, đơn vị trường học… đưa những đặc sản mà địa phương mình có lên góp mặt trong phiên chợ Kinh-Thượng và hầu hết nhân dân đều tự nguyện hưởng ứng và tham gia rất nhiệt tình”.

Hàng ngàn người đổ về khu vực diễn ra lễ hội để xem hát bội, múa lân, biểu diễn võ thuật, cồng chiêng và tham gia các trò chơi dân gian như: giã gạo kiểu Bahnar, đi cà kheo, mang nước về làng, kéo co, nhảy bao bố, leo cột lấy quà Xuân, nhảy dây, xích đu, cầu bập bênh… “Tôi đi dự lễ hội Ngọc Hồi-Đống Đa nay đã 10 năm rồi nhưng có lẽ năm nay là hoành tráng và đông vui nhất. Việc tái hiện lại Hội hát cầu Huê trên quê hương An Khê như thế này có ý nghĩa rất lớn, giúp thế hệ trẻ sau này biết được những nét văn hóa tinh thần đặc sắc của ông bà ta xưa kia”-bà Đinh Thị Liên (tổ 8, phường An Phú, thị xã An Khê) phấn khởi nói.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai đánh giá: An Khê đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tái hiện lễ hội hát cầu Huê năm nay, thu hút được đông đảo đồng bào tham dự từ người già đến trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các gian hàng của khu chợ Kinh-Thượng còn khá thưa thớt, các món hàng truyền thống còn thiếu vắng, chưa tái hiện được rõ nét không gian văn hóa của người xưa. Hy vọng năm sau, thị xã sẽ khắc phục được điều này và tổ chức lễ hội bài bản hơn.
Phiên chợ Kinh-Thượng gồm 25 chòi sạp hàng cố định được dựng bằng tranh tre, lá nứa; 4 gánh hàng rong và 1 chiếu thư pháp. Trong đó, có 17 chòi sạp, gánh hàng rong của người Kinh bán các mặt hàng truyền thống của vùng An Khê, Bình Định như: bánh ít, bánh tro, bánh tráng, bánh xèo, bánh bèo, nông cụ, nông sản, vải, quần áo, hàng mỹ nghệ… Riêng đồng bào Bahnar có 6 chòi sạp hàng với các mặt hàng rau, củ, quả, gà, vịt, rượu cần, đồ trang sức, hàng thổ cẩm, lâm thổ sản, hàng lưu niệm… Hai khu sạp buôn bán được bố trí đối diện nhau, thể hiện sự giao thoa văn hóa Kinh-Thượng. Những người bán hàng ai nấy đều tươi tắn trong bộ quần áo bà ba-nón lá và trang phục dân tộc Bahnar truyền thống, tươi cười mời khách mua hàng.

Ông Hồ Dương (làng Nhoi, xã Tú An, thị xã An Khê) vui vẻ tâm sự: “Từ khi nhận được thông báo của thị xã, bà con trong làng đã hồ hởi chuẩn bị các mặt hàng cần thiết để tham gia. Ai cũng đòi đi, nhất là bọn trẻ vì chúng muốn biết được lễ hội của ông cha mình ngày trước ra sao. Bản thân tôi cảm thấy rất tự hào và phấn khởi khi đến đây. Mong rằng thị xã An Khê sẽ tiếp tục duy trì lễ hội này trong những năm sau nữa để bà con vừa được vui chơi Tết, vừa được giao lưu, góp phần tạo sự đoàn kết chặt chẽ giữa người Kinh và người Bahnar trên địa bàn”.
Thông tin liên hệ:
1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 1356 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3832277
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3833020
1478004004_Mail.png  Email: ubndankhe@gialai.gov.vn



 
 
Thông tin bản quyền:
Bản quyền thuộc về UBND thị xã An Khê
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn Phòng HĐND và UBND thị xã An Khê
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 05/12/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
   Copyright © 2017